Kinh tế

Tìm lại vị thế cho cây điều Đắk Nông (kỳ 1): Từng một thời hoàng kim

Trần Thị Thoan 27/05/2024 14:42

Điều là cây chủ lực của Đắk Nông, nhưng đang ngày càng mất giá trị và vực dậy cây trồng này đang là thách thức lớn của ngành Nông nghiệp.

Kỳ 1: Từng một thời hoàng kim

Điều từng là cây trồng được nhiều người dân ở Đắk Nông đánh giá cao vì phù hợp với những vùng đất kém màu mỡ, chịu hạn tốt, có thể cho thu nhập cao.

Tạo thu nhập cho người nghèo

Từ nhiều năm trước, Đắk Nông đã xác định điều là "cây xóa đói giảm nghèo", nhất là giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Giai đoạn từ 2010 - 2018 được xem là đỉnh cao của cây điều ở Đắk Nông, khi mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Chị H’Hiêng, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp có gần 5ha điều gồm cả trồng xen trong vườn cà phê và trồng thuần. Chị H’Hiêng cho biết, gia đình chị đã gắn bó với cây điều từ nhiều đời nay.

dsc_0923.jpg
Chị H’Hiêng, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có gần 5ha điều trồng xen và thuần

Chị vẫn còn nhớ như in thuở nhỏ theo chân bà, mẹ ra vườn điều. Những cây điều cổ thụ vươn mình che bóng mát khắp nơi, từ nhà ra rẫy. Cứ dịp từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là điều cho thu hoạch và chị vẫn quen gọi là "mùa lượm điều".

Hồi đó, bố mẹ chị cũng như bà con trong bon hầu như không chăm sóc gì cho cây điều, nhất là đối với những cây điều đã trưởng thành. Không chăm sóc, nhưng đến mùa là cây điều luôn cho quả và nuôi sống nhiều thế hệ gia đình chị.

Cây điều đã giúp gia đình chị vượt qua được những năm đói kém, nhất là việc bớt phải chịu cảnh thiếu đói giáp hạt. Sau này, khi lập gia đình, chị đã phát triển cây điều với diện tích lớn và tiếp tục lấy nó làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.

Vì là nguồn thu chính cho gia đình, nên chị H’Hiêng đã chú ý đến việc chăm sóc vườn điều nhiều hơn. Mỗi năm ít nhất chị bón phân cho điều một lần bằng các loại phân bón hữu cơ, vô cơ, xạc cỏ, cắt tỉa cành, tạo tán.

dsc_0948.jpg
Tết là dịp thu hoạch điều của chị H’Hiêng, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Theo chị H’Hiêng, cây điều thường có một số sâu bệnh hại chủ yếu như bọ xít muỗi, bọ vòi voi, thán thư, khô cành, cháy lá. Chị chủ yếu phòng bệnh bằng việc cắt lá, tỉa cành sau khi thu hoạch, chặt bỏ những cành bệnh, giữ vệ sinh vườn.

Những năm thời tiết thuận lợi, điều được mùa, năng suất đạt khoảng 2 tấn/ha. Có năm điều được giá lên tới 30.000 đồng/kg, chị thu về từ 60 – 70 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, chị có lãi khoảng 40 triệu đồng/ha.

“Cây điều dễ trồng, phát triển nhanh, khỏe và cho thu hoạch đến 20-30 năm. Những năm qua, dù có nhiều năm mất mùa, nhưng gia đình vẫn gắn bó với cây điều”, chị H’Hiêng tâm sự thêm.

Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Diệu, thôn 5, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút có 1,8ha điều trồng chuyên canh. Theo chị Diệu, cách đây 20 năm, gia đình chị mua mảnh đất trên và quyết định trồng điều vì đất ít màu mỡ, không thuận tiện nước tưới.

dsc_1487-18abadec2947339e84efd5e91cae2fed.jpg
Chị Hoàng Thị Diệu, thôn 5 xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có 1,8 ha điều trồng chuyên canh

Đáng mừng là cây điều dù ít được chăm sóc, nhưng vẫn phát triển bình thường. Hàng năm, chị thực hiện việc chăm sóc vườn điều từ 1-2 lần với một số hoạt động như bón phân, cắt bỏ những cành sâu bệnh, xạc cỏ.

Vườn điều cho chị Diệu khoản thu nhập khá cao vào những năm được mùa, nhất là giai đoạn tù năm 2015-2017. Mỗi năm chị thu hoạch được gần 4 tấn điều/ha, bán với giá 32 triệu/tấn, thu về gần 128 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng.

Đầu ra rộng mở

Nhiều năm qua, điều là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông có đầu ra khá ổn định. Tại các địa phương, vùng trồng điều lớn đều đã có các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm. Đắk R’lấp là vùng trọng điểm trồng điều của tỉnh với khoảng 3.800ha. Huyện đã có khoảng các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến hạt điều tại chỗ.

Theo chị H’Hiêng, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp cho biết, những năm qua, giá điều có sự lên xuống, nhưng gia đình chị chưa bao giờ phải chịu cảnh ế hàng. Bởi không đâu xa, ngay trong bon Bù Sê Rê 1 đã có cơ sở thu mua, chế biến hạt điều.

dsc_0912.jpg
Công ty Kiều Phương Đông, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru , Đắk R’lấp (Đắk Nông) thu mua, chế biến hạt điều phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu

Cơ sở thu mua chế biến mà chị H’Hiêng nói tới là Công ty Kiều Phương Đông. Công ty này chuyên thu mua, chế biến hạt điều phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Kiều Phương Đông, Giám đốc công ty cho biết: Những năm qua, công ty có nguồn nguyên liệu tại chỗ để thu mua, nên thuận lợi trong sản xuất, giảm được một phần chi phí vận chuyển so với việc phải mua ngoài tỉnh về.

Hàng năm, công ty xuất bán được khoảng 2.000 tấn sản phẩm hạt điều, góp phần ổn định thu nhập cho nông hộ, nhất là hộ dân tộc thiểu số tại chỗ. Công ty tạo việc làm cho hàng chục lao động tại nhà máy chế biến.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cho biết, đầu ra sản phẩm hạt điều luôn rộng mở. Nguyên liệu hạt điều tại chỗ ở Đắk Nông để phục vụ nhà máy chưa đủ, nên công ty phải mua từ ngoài tỉnh về.

Những năm gần đây, nhu cầu nguyên liệu hạt điều phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu của công ty luôn ở mức cao. Riêng năm 2023, công ty đã thu mua 12.000 tấn nguyên liệu điều phục vụ chế biến các dòng sản phẩm. Trong đó sản lượng hạt điều trong tỉnh chỉ có trên 1.000 tấn, một tỷ lệ rất nhỏ.

Bà Nguyệt cho biết: "Công ty luôn mong muốn có nguyên liệu tại địa phương để thu mua, phục vụ chế biến. Bởi đây chính là một trong những tiêu chí mềm để công ty nâng cao chất lượng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm".

Cũng theo bà Nguyệt, Công ty TNHH Hồng Đức khẳng định được tên tuổi trên thị trường một phần là nhờ hạt điều của người dân Đắk Nông đạt chất lượng tốt. Hạt điều Đắk Nông có thể vượt qua được các tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu, phân phối đến với người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế.

"Chúng tôi luôn mong muốn nối dài thêm sợi dây này để cả người trồng điều địa phương và doanh nghiệp cùng phát triển”, bà Nguyệt tâm sự.

Theo Sở Công thương Đắk Nông, 20 năm qua, hạt điều là một trong 3 loại nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh (cùng với cà phê, hồ tiêu).

Các công ty, doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Đắk Nông đã tạo ra được những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Nhờ đó, vị thế của hạt điều Đắk Nông đã được nâng cao trên thị quốc tế. Điều này đồng nghĩa cơ hội đầu ra cho hạt điều của tỉnh đang ngày càng rộng mở.

dsc_0248-d09f125d6f01fbb05937fa43ae33925b.jpg
Hạt điều Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) lên xe chuẩn bị xuất khẩu

Thị trường, thị phần xuất khẩu hạt điều của các doanh nghiệp Đắk Nông đã không ngừng lớn mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011, giá trị xuất khẩu hạt điều toàn tỉnh Đắk Nông mới chỉ đạt 107 triệu USD, nhưng hiện nay đã tăng lên 450 triệu USD, gấp hơn 4 lần so với 10 năm trước. Kim ngạch xuất khẩu điều nhân quý I/2024 của Đắk Nông ước đạt 34,9 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu của hạt điều Đắk Nông ngày càng lớn và hiện đã có mặt tại một số nước lớn Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hy Lạp, Anh, Đức, Trung Đông.

Tại Quyết định 2096/QĐ-UBND ngày 18/12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông chọn các loại cây trồng cà phê, hồ tiêu, cao su và điều làm cây chủ lực. Tỉnh định hướng sản xuất các loại cây trồng này theo hướng quy mô hàng hóa, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tìm lại vị thế cho cây điều Đắk Nông (kỳ 1): Từng một thời hoàng kim
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO