Tìm lại dấu tích lũy ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng trong vùng địa hình hiểm trở, như một thế trận hiểm hóc giăng ra sẵn sàng tiêu diệt kẻ địch. Lịch sử chống giặc ngoại xâm đã ghi nhận nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta bảo vệ đất nước tại địa danh này.
Địa hình Chi Lăng (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, địa hình dốc dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ dốc khá lớn, đặc biệt là các xã nằm ven khối núi Hữu Kiên. Trong ảnh là toàn cảnh vùng địa hình thuộc xã Chi Lăng nhìn theo hướng Nam - Bắc.
Là vùng đất giàu truyền thống, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Lũy ải Chi Lăng cũng được hình thành từ đây. Trong ảnh, dấu khoanh đỏ phía dưới là vị trí quốc lộ 1A (QL1A) cắt qua lũy ải. Dấu khoanh đỏ phía trên là vị trí đường DT234B cắt qua lũy ải.
Phần di tích lũy ải Chi Lăng tại vị trí DT234B cắt qua, là khu vực hiểm hóc bậc nhất nơi đây khi thung lũng bị thu hẹp, con đường chạy qua giữa các vách núi dựng đứng.
Toàn cảnh vị trí lũy ải nơi có DT234B cắt qua. Từ thế kỷ 10, nơi đây đã chứng kiến nhiều trận chiến bảo vệ đất nước của cha ông ta: Năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống lần 1; Năm 1077 đánh tan quân xâm lược nhà Tống lần 2; Năm 1285 đánh tan quân Nguyên Mông lần 2; Năm 1288 chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần 3; Năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 10 vạn quân xâm lược nhà Minh.
Dòng chảy màu xanh dưới thung lũng nơi có lũy ải Chi Lăng là thượng nguồn sông Thương.
Lũy ải được hình thành cùng các dãy núi tự nhiên, đắp nối lại với nhau thành chiến lũy kết hợp với hào dưới chân. Đây là nơi mai phục, bố trí quân phòng thủ, ngăn không cho giặc đi qua. Trong ảnh là một phần lũy ải được đắp bằng đất.
Người dân cho biết con đường DT234B là con đường cổ, vị trí này là nơi quân ta phục kích tiêu diệt quân xâm lược.
Núi Mặt Quỷ nằm trong quần thể di tích Chi Lăng.
Tượng đài Chi Lăng nằm trong khuôn viên Nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng, nơi lưu giữ các tư liệu, tài liệu liên quan đến toàn bộ di tích lịch sử Chi Lăng.
Đoạn lũy ải tại vị trí bị QL1A cắt qua.
Mặt cắt ngang hình thang của lũy ải.
QL1A và đoạn lũy ải Chi Lăng được đắp bằng đất còn sót lại.