Kinh tế

Tìm giải pháp phát triển bền vững (*)

Đức Hùng 30/06/2023 05:53

Trước những thách thức phát triển sầu riêng, đòi hỏi ngành chức năng cần có giải pháp để bảo đảm tính bền vững. Trong đó, việc đưa sầu riêng vào quỹ đạo ổn định, trong tầm kiểm soát là điều cần sớm được triển khai.

srhhh(1).jpg
Đắk Nông cần hình thành vùng sản xuất sầu riêng tập trung theo tiêu chuẩn xuất khẩu

Tập trung ổn định khâu sản xuất

Những năm qua, người dân chủ yếu chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng. Thực tế này sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường, sản xuất thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp phân tích, cách chuyển đổi như vậy của bà con tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trước hết, nó sẽ làm mất cân đối trong phát triển giữa các loại cây trồng.

Cách làm đó cũng sẽ phát sinh những hệ lụy khác như đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp; mất cân đối cung cầu; khó tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng sản phẩm khó đồng đều...

Cũng theo ông Nên, ở Đắk R'lấp, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân xem xét việc trồng sầu riêng ở những khu vực phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và có nguồn nước để tiện cho việc chăm sóc. Các vùng này đều đã được huyện cập nhật cho bà con biết.

Trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng kho lạnh, kho đông. Bà con cũng đang tập trung vào làm mã vùng trồng, mã đóng gói.

Mặc dù địa phương đã nỗ lực tìm cách để ổn định phát triển sầu riêng nhưng vẫn chưa đủ để sầu riêng phát triển bền vững. Do đó, ngoài những nỗ lực định hướng của ngành Nông nghiệp, bà con cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi xuống giống sầu riêng.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông

hinhsr(1).jpg
Người dân cần chủ động tiếp cận kiến thức, kỹ thuật, quy trình chăm sóc sầu riêng

Những năm qua, người dân đã chủ động tiếp cận kiến thức, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng. Một số cơ sở, đơn vị chứng năng đã cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu và hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc loại cây trồng này.

Thế nhưng, nhìn chung, phần lớn người dân vẫn chưa nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sầu riêng. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo, tập huấn để người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ hiệu quả sản xuất sầu riêng là điều hết sức cần thiết.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil và các cơ quan chức năng trên địa bàn sẵn sàng làm cầu nối để người dân liên kết với doanh nghiệp.

Muốn sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững phải có doanh nghiệp đồng hành, sát cánh với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, Đắk Nông

hinh(1).jpg
Hình thành các chuỗi liên kết vùng, chuỗi giá trị từ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông cho biết, tỉnh có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết vùng, chuỗi giá trị từ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng thông qua các tổ chức như HTX, các doanh nghiệp.

Ngành Nông nghiệp cũng đang tuyển lựa, phát triển các giống sầu riêng có chất lượng cao, năng suất tốt, cho trái rải vụ, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, điều kiện tự nhiên, có lợi thế tại từng vùng.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông

Về kỹ thuật, ngành Nông nghiệp đang hoàn thiện quy trình chăm sóc; xử lý ra hoa, đậu quả, rải vụ sản; phòng trừ sâu bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu cho sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, các mã vùng trồng và thương hiệu cho các sản phẩm sầu riêng của Đắk Nông.

Liên kết bền vững

Sở NN-PTNT đã gửi văn bản đến các huyện, thành phố để truyền thông sâu rộng đến người dân về phát triển cây sầu riêng hiện nay.

Cụ thể, sầu riêng chỉ nên trồng ở những vùng có điều kiện phù hợp, bảo đảm nguồn nước tưới. Vì sầu riêng là cây trồng cần lượng nước quanh năm. Sầu riêng cần tránh gió để tránh rụng lá, hư hoa, rụng trái.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay, việc khuyến cáo trong phát triển sầu riêng chưa đi kèm với chính sách và hỗ trợ, nên chưa phát huy hiệu quả.

saurieng-4-(1).jpg
Liên kết sản xuất sầu riêng theo quy trình, đạt chuẩn sẽ giúp nông dân giảm rủi ro

Sầu riêng phải được người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, với các đòi hỏi cụ thể như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, mã vùng trồng...

Bà Tình dự báo, nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy hoạch, quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu. Lúc đó, giá bán sầu riêng sẽ thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế.

Do vậy, nông dân phải thay đổi, sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn. Bà con cần tiếp cận sớm với thị trường, có liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành vùng nguyên liệu.

Sản xuất sầu riêng cần theo yêu cầu tiêu chuẩn của đơn vị tiêu thụ và các quy chuẩn quốc tế. Sầu riêng phải hướng tới xuất khẩu thì mới đạt giá trị cao và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông

Cũng theo bà Tình, để giảm rủi ro, nông dân cần phải sản xuất sầu riêng theo hướng liên kết, tổ nhóm, HTX. Người sản xuất cần tìm hiểu thông tin, lắng nghe yêu cầu thị trường.

saurienghhhh(1).jpeg
Sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu

Sản xuất sầu riêng cần áp dụng theo các quy trình, quy chuẩn nông nghiệp an toàn, bền vững. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực chuẩn hoá quy trình sản xuất sầu riêng để người dân áp dụng. Nhưng để chuẩn hoá, cũng cần phải có sự vào cuộc của người dân.

Để phát triển bền vững, việc chọn giống trồng cũng hết sức quan trọng. Cây giống mua ở những nơi uy tín, chất lượng, chấp hành các quy định của Nhà nước, có nguồn gốc rõ ràng.

Khi mua giống sầu riêng bà con cần bảo đảm hồ sơ lưu trữ nguồn gốc giống để phục vụ cho việc đánh giá, cung cấp chứng nhận sau này khi xuất khẩu sản phẩm.

"Đối với nội dung này thì gần như người dân chưa quan tâm. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường truyền thông nội dung này đến với người dân", bà Tình cho biết.

ban-sao-cua-tung-nganh-tung-huyen-chu-dong-ra-soat-xac-dinh-diem-nghen-cua-minh-de-co-giai-phap-thao-go-hieu-qua-thuc-day-phat-trien.(1).png

Để khắc phục hậu quả, rủi ro nông dân phải sản xuất theo hướng liên kết, tổ nhóm, HTX cùng với đó, tìm hiểu thông tin, lắng nghe yêu cầu thị trường và sản xuất áp dụng theo các quy trình, quy chuẩn nông nghiệp an toàn, bền vững

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông

saurieng-20-(1).jpg
Sầu riêng cần hướng tới thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị

Lời kết

Trước đây, bơ từng được coi là cây trồng nhiều tiềm năng, với giá trị kinh tế tức thời khá lớn. Do đó, bơ là một trong những loại cây trồng được người dân quan tâm phát triển mạnh.

Thậm chí, Đắk Nông đã có giai đoạn phát triển "nóng" cây bơ. Người dân cũng bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng để "chạy theo" phong trào trồng bơ.

Diện tích bơ vì thế nhanh chóng vượt ngoài quy hoạch của tỉnh rất nhiều. Hậu quả, cung đã vượt cầu, cây bơ đã mất giá thê thảm và khiến cho nhiều người phải ôm hận.

Giờ đây, sầu riêng cũng đang ở vào tình thế tương tự, khi đang phát triển nóng và chưa có gì để bảo đảm cho tính bền vững. Nông dân, ngành chức năng chắc chắn không muốn đi vào "vết xe đổ" từ cây bơ.

Nhưng nếu không có sự thận trọng hơn, thì sầu riêng cũng như bất kì loại cây trồng khác rất khó để tránh được những kết cục buồn về "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

(*) Bài cuối trong tuyến bài dài kỳ: Chặn đà bùng nổ diện tích sầu riêng ở Đắk Nông

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tìm giải pháp phát triển bền vững (*)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO