Phiên họp của Liên đoàn Arab, ngày 7/5/2023. Ảnh: REUTERS |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AL diễn ra trong bối cảnh khu vực này bị cuốn vào hàng loạt cuộc khủng hoảng Sudan, Syria, xung đột Palestine-Israel, Yemen, Libya. Cuộc xung đột đang diễn ra tại Sudan là một trong những nội dung thảo luận chính trong chương trình nghị sự của cuộc họp. Phát biểu tại sự kiện, Tổng Thư ký AL, ông Ahmed Abou El Gheit nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn vĩnh viễn, trong bối cảnh hàng triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Đối với cuộc khủng hoảng này, AL đã có phản ứng hiệu quả và nhanh chóng nhằm giải quyết hậu quả của cuộc xung đột. Nhóm tiếp xúc cấp bộ trưởng Arab đã liên lạc với các bên ở Sudan nhằm chấm dứt giao tranh tại quốc gia Đông Phi.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của tình hình Sudan khiến các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra từ giữa tháng 4 vừa qua đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Xung đột đã cướp đi sinh mạng gần 5.000 người, buộc hơn 4,6 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nếu không kịp thời ngăn chặn, bạo lực lan rộng ở Sudan có thể cuốn toàn bộ khu vực vào vòng xoáy thảm họa nhân đạo.
Trong khi đó, liên quan tình hình ở Syria, các nước Arab ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, duy trì sự ổn định trong khu vực và đánh bại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thực hiện các bước đi thiết thực và hiệu quả hướng tới giải pháp từng bước, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau gần 12 năm bị đình chỉ, Syria đã được khôi phục tư cách thành viên của AL hồi tháng 5 vừa qua. Sau đó, AL đã thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng bao gồm đại diện của Jordan, Saudi Arabia, Iraq, Liban, Ai Cập và Tổng Thư ký AL, để tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Syria.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, Saudi Arabia đã mở lại phái bộ ngoại giao tại Syria, một thập niên sau khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa Syria với các quốc gia thành viên khác trong AL được cải thiện đã tạo điều kiện để các nước Arab thúc đẩy các giải pháp cho các vấn đề tại Syria, như chống khủng bố, hồi hương người tị nạn, chủ quyền lãnh thổ và hợp tác an ninh với các quốc gia Arab láng giềng.
Cuộc xung đột Palestine-Israel với những vấn đề gai góc về lãnh thổ, tôn giáo cũng được các nước Arab quan tâm tìm hướng giải quyết. AL khẳng định ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, cam kết giám sát và ứng phó với những diễn biến mới tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine. Hội đồng AL đã tổ chức một số cuộc họp dưới sự chủ trì của Ai Cập và tái khẳng định lập trường nhất quán của các nước Arab về vấn đề Palestine, phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.
Các nước Arab ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô. AL cũng cảnh báo rằng, hành động sử dụng bạo lực chỉ làm căng thẳng leo thang trong toàn khu vực, bất kỳ sự can thiệp nào vào hiện trạng lịch sử và pháp lý tại các thánh địa ở Jerusalem đều bị bác bỏ một cách dứt khoát.
Hàng loạt “điểm nóng” xung đột kéo dài ở Trung Đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực. Các nước Arab nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy đoàn kết và khuôn khổ hành động chung của khối Arab để hạ nhiệt các điểm nóng, bảo vệ an ninh quốc gia của các nước thành viên, tránh sự can thiệp của bên ngoài. Tăng cường cơ chế tham vấn và phối hợp giữa các nước thành viên AL trong các vấn đề khu vực là phương thức được các nước trong khu vực ủng hộ nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lan rộng, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.