Tìm cách gỡ vướng mắc tại một số công trình thủy lợi

Kim Ngân| 11/07/2022 08:55

Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi xây dựng mới đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan đang rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ để các công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

ADQuảng cáo

Qua kết quả khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, nhiều công trình thủy lợi xây dựng mới do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến chậm tiến độ, nhiều hạng mục không bảo đảm, khả năng khai thác, sử dụng kém hiệu quả.

Cụ thể, dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm nguồn nước tưới cho 680 ha cây trồng (gồm 580 ha cây lâu năm, 100 ha lúa nước) tại các thôn Quảng Tiến, Bon N’Ting, Glong Phe và Glong Phi Lê, xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Hồ chứa còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn. Dự án khởi công xây dựng năm 2019, thời gian thực hiện không vượt quá 5 năm.

Hồ chứa Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng

Theo báo cáo của chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành các hạng mục thi công xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2022. Tuy nhiên, qua khảo sát của HĐND tỉnh, mặc dù các hạng mục đã hoàn thành, nhưng lượng nước tích trữ vào hồ khá ít.

Chủ đầu tư giải trình nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện ở khu vực thượng nguồn vẫn còn 4 hộ dân chưa thống nhất mức giá đền bù, nên không bàn giao mặt bằng. Điều này ảnh hưởng đến lưu lượng nước chảy vào hồ.

Còn công trình thủy lợi Suối Đá, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đã hoàn thành các hạng mục thi công, đang được vận hành thử để đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Thế nhưng, qua khảo sát của HĐND tỉnh, công trình vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, cuối tuyến kênh N2 chưa có bể tiêu, mương thoát để tránh tràn ngập nước ra đường khi xả nước về.

Trong kênh dẫn nước của công trình mặc dù có nước, nhưng lưu lượng chảy rất yếu. Công trình chưa có hệ thống kênh xương cá để đưa, dẫn nước vào các cánh đồng.

ADQuảng cáo

Đồng chí Y Quang B’Krông, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khảo sát Công trình thủy lợi Suối Đá, xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

Ngoài ra, việc bố trí hố bơm trên tuyến kênh N2 khá xa vườn cây của người dân. Thực tế, người dân trồng lúa trên địa bàn vẫn chưa thể lấy nước từ kênh N2, gây khó khăn đến sản xuất.

Dự án kè bảo vệ dân cư và vùng sản xuất lương thực dọc sông Krông Nô được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư với chiều dài 600m, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng.

Mục đích của dự án là chống xói lở bờ sông, bảo đảm an toàn cho người, công trình hạ tầng, bảo vệ an toàn diện tích đất sản xuất hiện có của cả khu vực.

Đoạn kè số 1 trên bờ sông Krông Nô có dấu hiệu nghiêng ngả, cao thấp, lồi lõm, chưa bảo đảm kỹ thuật

Qua khảo sát cho thấy, đoạn sạt lở số 1 mới đóng cửa, nhưng có dấu hiệu nghiêng ngả, cao thấp, lồi lõm. Còn trên mặt sông, hàng ngày có nhiều tàu khai thác cát trong khu vực thi công, gây nguy cơ sạt trượt, xói lở dọc 2 bên bờ sông...

Các công trình thủy lợi nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Tuy nhiên, đến nay, các dự án này đều chậm tiến độ, nhiều hạng mục đã hoàn thành, nhưng lại có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp hoặc không bảo đảm chất lượng.

Tàu khai thác cát gây nguy cơ sạt trượt, xói lở tại khu vực đang thi công kè

Ngày 4/7/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 3680 yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát những tồn tại, vướng mắc tại các công trình thủy lợi nói trên. Từ đó, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 31/7/2022 để có phương án xử lý, giải quyết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm cách gỡ vướng mắc tại một số công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO