Tìm cách đánh thức kinh tế rừng

Lê Phước| 17/03/2022 08:48

Tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng tại Đắk Nông là rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách bài bản, hiệu quả.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 7 công ty lâm nghiệp, đang quản lý 107.911,4 ha rừng, đất rừng. Trong số hơn 90.000 ha đất có rừng, có gần 87.000 ha rừng tự nhiên. Diện tích đất không có rừng là gần 18.000 ha, trong đó có 207 ha đất trồng rừng nhưng chưa thành rừng.

Mặc dù quản lý diện tích rừng lớn nhưng phần lớn các công ty lâm nghiệp chỉ tập trung thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Việc khai thác các nguồn lợi khác từ rừng chưa được quan tâm.

Rừng bị phá nhằm mục đích chiếm đất tại khu vực quản lý của các công ty lâm nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Quang Dần, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lợi ích quan trọng nhất của rừng đối với môi trường, chiếm khoảng 60%. Khoảng 40% lợi ích còn lại từ rừng chính là giá trị kinh tế.

Giá trị kinh tế rừng mang lại không chỉ là gỗ mà còn bao gồm nhiều loại lâm sản khác. Việc tận thu các nguồn lợi này mang lại giá trị đáng kể về kinh tế. Ngoài ra, dưới tán rừng có thể liên kết trồng các loại dược liệu, khai thác du lịch…

Ông Dần phân tích: Lâu nay, nhiều công ty lâm nghiệp chỉ tập trung vào nguồn thu từ gỗ rừng tự nhiên. Vậy nên sau khi Chính phủ đóng cửa rừng, các công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu.

Bị cắt nguồn thu từ gỗ tự nhiên, nhiều công ty lâm nghiệp không tìm ra hướng khai thác kinh tế. Trừ một số đơn vị có nguồn kinh phí hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng, hầu hết các đơn vị còn lại lâm vào khủng hoảng.

ADQuảng cáo

Việc trồng các loại cây đa mục đích vừa tăng độ che phủ, vừa mang lại nguồn thu cho các công ty lâm nghiệp

Nguồn thu doanh nghiệp giảm, thu nhập của người lao động cũng bết bát. Hậu quả là công tác QLBVR lỏng lẻo và người giữ rừng tìm cách “tháo chạy” vì mưu sinh.

Trong các công ty lâm nghiệp, hiện chỉ có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên là có nguồn thu tương đối ổn định từ rừng. Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty, thu nhập của người lao động của đơn vị đạt bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Công ty lợi nhuận bình quân 2-3 tỷ đồng.

Để có được kết quả này, Công ty đã tận dụng từ nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó có khai thác, tận thu các loại lâm sản khác từ rừng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất với người dân để trồng các loại cây đa mục đích như điều, mắc ca... Công ty cũng đang phối hợp với một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình du lịch và liên kết để trồng dược liệu.

Ông Bình cho biết: "Mặc dù có lợi nhuận nhưng nguồn thu chủ yếu của chúng tôi vẫn là từ dịch vụ môi trường rừng. Các nguồn thu khác mới hình thành nên chưa thực sự đáng kể. Nguồn thu kinh tế từ rừng là rất lớn và chúng tôi đang hướng tới việc khai thác hiệu quả trong tương lai".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, các công ty lâm nghiệp cần khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng. Không chỉ tập trung tận thu các lâm sản từ rừng, các công ty cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc liên doanh, liên kết với các đơn vị, cá nhân để tạo thêm nguồn thu từ rừng.

UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện về nguồn lực cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển rõ ràng, dài hơi. “Mục tiêu là các công ty lâm nghiệp phát triển, người lao động có thu nhập ổn định, yên tâm công tác. Có phát triển kinh tế rừng hiệu quả, việc QLBVR của chúng ta mới hiệu quả, bền vững hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm cách đánh thức kinh tế rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO