Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. |
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Thường trực Tổ biên tập Tiểu Ban Kinh tế- Xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thành viên Thường trực Tiểu ban chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn từ thực tiễn, các địa phương đóng góp ý kiến và phân tích rõ nguyên nhân những thành tựu trong nhiệm kỳ qua, nêu lên những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, các tỉnh tập trung làm rõ cần Trung ương phân cấp những vấn đề gì và năng lực của các tỉnh khi thực hiện những việc được phân cấp như thế nào? Việc xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới ra sao? Với đặc thù của Tây Nguyên, các tỉnh thực hiện về công tác dân tộc và đội ngũ làm công tác dân tộc trong thời gian tới như thế nào? Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng; công tác quản lý, giải quyết đất đai trên địa bàn như thế nào để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững?...
Các đại biểu dự buổi làm việc. |
Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn tỉnh và cả vùng. Trong đó, nêu bật các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo của địa phương cũng như những vấn đề bất cập về thể chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của tỉnh, của vùng.
Đồng thời lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên kiến nghị, đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030 của tỉnh, của vùng và cả nước. Trong đó, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tập trung kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, đồng bộ, ổn định lâu dài để xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh và các kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác. |
Tây Nguyên cần tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm có tính kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp đặc trưng, vai trò và thực tiễn đối với những địa phương; cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng diện tích rừng hiện nay ở Tây Nguyên để quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn…
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, vùng Tây Nguyên đóng vai trò, vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Nêu lên những tồn tại, hạn chế, trao đổi, làm rõ đề xuất, kiến nghị của các tỉnh trong vùng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững, trọng tâm là cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên và phân cấp mạnh hơn cho tỉnh.
Đặc biệt, với đặc thù của vùng Tây Nguyên, các tỉnh cần thực hiện tốt công tác dân tộc và xây dựng đội ngũ làm công tác dân tộc có năng lực, trình độ, am hiểu phong tục, tập quán và tâm huyết, gần gũi với đồng bào; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng để người dân sống được vì rừng; phải có sự đồng bộ về quy hoạch giữa quy hoạch Trung ương, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và quy hoạch ngành để quy hoạch là định hướng phát triển của mỗi địa phương; chú trọng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong hình mới; giải quyết tốt vấn đề di dân tự do trên địa bàn…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. |
Riêng về cơ cấu kinh tế, các địa phương cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản; …
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp đề xuất danh mục các dự án, mục tiêu ưu tiên, động lực, đột phá để nâng cao giá trị của từng địa phương, từng vùng và Việt Nam với thế giới, đồng thời quan tâm đến vai trò tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách của các địa phương để khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội được phân công cho Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban. Nhiệm vụ chính của Tiểu ban là xây dựng Văn kiện. Trong đó, những nội dung cần quan tâm làm rõ là đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021- 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; chuẩn bị xây dựng phương hướng giai đoạn mới cũng như tổng kết, đánh giá giai đoạn 5 năm vừa qua; những vấn đề liên quan đến định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong 5 năm tới, tầm nhìn đến 2045 trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đây là những nội dung hết sức quan trọng đối với việc chuẩn bị Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sắp tới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của địa phương về thương hiệu vùng, sản phẩm vùng, sản phẩm địa phương, tiềm năng, lợi thế, những điểm khác biệt của vùng. Đặc biệt, Đoàn công tác cũng đã lắng nghe các địa phương đề xuất những giải pháp cụ thể liên quan đến các nhiệm vụ quan trọng, đó là vấn đề về thể chế, hạ tầng, nông nghiệp, nguồn nhân lực, công tác dân tộc, công tác quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng… Bên cạnh đó là những điều kiện và giải pháp liên kết vùng, những ý tưởng mang tầm chiến lược để Tiểu ban Kinh tế-Xã hội tiếp thu, nghiên cứu và xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sát đúng với yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tham gia ý kiến tại buổi làm việc. |
Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Thời gian qua, phát huy những tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội, kinh tế, văn hóa-xã hội của vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.
Vùng luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của cả nước; thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu tại buổi làm việc. |
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2024, nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển theo định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ. Cụ thể, duy trì và phát triển bền vững một số cây nông sản chủ lực như cà-phê chiếm 91% về diện tích và 94% về sản lượng cả nước; cây hồ tiêu chiếm 64,6% diện tích và 68,6% sản lượng cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; cây điều chiếm 28,6% diện tích và 21,8% sản lượng so với cả nước; cây cao su chiếm 24,9% diện tích và 22,1% sản lượng so với cả nước; mở rộng diện tích cây ăn quả; đến năm 2023, diện tích cây ăn quả vùng Tây Nguyên khoảng 139.000 ha, chiếm trên 10% diện tích cây ăn quả cả nước. Sản xuất nông sản từng bước theo tiêu chuẩn an toàn và truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tình trạng phá rừng, chuyển đổi rừng trái pháp luật cơ bản được ngăn chặn; nhiều công trình thủy lợi do Trung ương và địa phương đầu tư đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế tình trạng hạn hán thiếu nước sản xuất và sinh hoạt phục vụ đời sống nhân dân. Độ che phủ rừng đạt khoảng 46,52%; bảo vệ nghiêm trên 2,562 triệu ha rừng; trồng rừng mới 16.401 ha rừng. Các địa phương đều quan tâm tâm đến chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi, tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, mời gọi được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến bố trí trên 8.100 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các các công trình lớn có tính liên kết vùng tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, giai đoạn năm 2023 -2024 đã giao 489,5 tỷ đồng, chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và khởi công một số dự án…