Tiếp tục phát triển liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi hàng hóa

Hồng Thoan| 08/06/2021 09:20

Sản xuất cà phê theo chuỗi hàng hóa mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp. Do đó, ngành Nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ, đồng hành với người dân để xây dựng các chuỗi sản xuất cà phê bền vững.

Năm 2020, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh là hơn 131.000 ha, sản lượng gần 306.700 tấn. Những năm qua, các cấp, các ngành đã chú trọng khuyến khích, hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất cà phê theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ.

Nông dân xã Quảng Tín liên kết với Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp sản xuất cà phê theo chuỗi cho năng suất cao

Tại Đắk R’lấp, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư, mở rộng liên kết với nông dân để sản xuất và chế biến sản phẩm cà phê. Cụ thể như Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) đang liên kết với 120 hộ dân sản xuất hơn 240 ha cà phê.

Hàng tháng, Công ty bán ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm cà phê bột. Sản phẩm cà phê của Công ty được sản xuất bằng phương thức chế biến khô và chế biến ướt.

Theo ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, Công ty được hỗ trợ từ một số chương trình, dự án như 3 EM, khuyến công nên cũng bớt được một phần khó khăn trong việc đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất cà phê.

Nhờ đầu tư trang thiết bị, nên giá trị sản phẩm cà phê của công ty cao gấp nhiều lần so với cách bán thô. "Mỗi khi giá trị sản phẩm tăng cao thì việc liên kết sản xuất cà phê với người dân càng có ý nghĩa, nhất là việc bảo đảm thu nhập cho bà con", ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp, địa phương hiện có 12 doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân để hình thành các vùng nguyên liệu cà phê tập trung, đạt chuẩn. Quá trình liên kết tạo ra nhiều sản phẩm cà phê có chất lượng cao.

Tại các xã như Nhân Cơ, Đắk Wer, Hưng Bình, Đắk Ru, Quảng Tín... các chuỗi liên kết sản xuất cà phê đã giúp bà con được tiếp cận, áp dụng rộng rãi, đồng bộ các kỹ thuật canh tác cà phê tiên tiến. Trong đó, nổi bật nhất là việc bà con sản xuất cà phê theo các quy trình nông nghiệp tốt toàn cầu như 4C, UTZ.

Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R'lấp) liên kết với người dân để tạo vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê bột

Tại thành phố Gia Nghĩa, những năm qua, số lượng hộ cá thể, doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm tương đối nhiều.

Theo chị Trần Thanh Tình, Giám đốc HTX An Nguyên, xã Đắk Nia, đơn vị đã đầu tư sản xuất cà phê từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu bán thô, giá trị kinh tế thu về không cao.

Từ năm 2020 đến nay, đơn vị liên kết với người dân để hình thành vùng nguyên liệu cà phê có chất lượng. HTX cũng đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc với số vốn gần 500 triệu đồng để chế biến sản phẩm cà phê bột.

Từ khi đầu tư cho chế biến thì giá trị sản phẩm cà phê đã tăng lên khoảng 3 lần, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho bà con xã viên. HTX An Nguyên hiện có 15 ha cà phê, sản lượng hàng năm khoảng 45 tấn. Sản phẩm cà phê của đơn vị chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ.

Đắk Nông hiện có nhiều sản phẩm cà phê bột có uy tín trên thị trường

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 23 chuỗi liên kết sản xuất cà phê, với khoảng 7.600 hộ tham gia, tổng diện tích trên 13.100 ha. Các chuỗi liên kết ngày càng được mở rộng cả quy mô lẫn số lượng người tham gia.

Ngoài chế biến cà phê bột, một số doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong chuỗi liên kết đã có sản phẩm cà phê túi lọc. Điều này chứng tỏ, quá trình liên kết đã thúc đẩy sản xuất, chế biến cà phê một cách tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích, sản lượng cà phê nằm trong chuỗi liên kết vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng thể lĩnh vực sản xuất cà phê của tỉnh.

Để hoạt động liên kết sản xuất cà phê ngày càng phát triển, cần phải có nhiều hơn những giải pháp hướng về cơ sở. Trước hết là giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến cà phê. Để từ đó ổn định, nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê.

Việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cà phê cần được đẩy mạnh cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh cà phê để nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê; bảo đảm sản xuất cà phê có hiệu quả cao cho bà con nông dân...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tiep-tuc-phat-trien-lien-ket-san-xuat-ca-phe-theo-chuoi-hang-hoa-86821.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tiep-tuc-phat-trien-lien-ket-san-xuat-ca-phe-theo-chuoi-hang-hoa-86821.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tiếp tục phát triển liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi hàng hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO