Chính sách

Tiếp tục gỡ khó để cấp đất, nhà ở cho người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Mẫn Doanh 23/05/2023 19:00

Đắk Nông đang nỗ lực tìm cách gỡ khó để cấp đất ở, đất sản xuất cho người được hưởng lợi theo đúng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình).

ADQuảng cáo

Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể. Trong đó, Dự án 1 có nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Dự án hướng tới bảo đảm hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại thôn, xã đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Trong đó, phấn đấu đạt 90% hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại thôn, xã đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề… 

Thiếu nguồn đất công

Năm 2022, huyện Đắk Glong được giao hơn 5,9 tỷ đồng thực hiện Dự án 1. Địa phương rà soát và phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 32/40 hộ; nhà ở 37/50 hộ; 2/63 hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; 45 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp... Tuy nhiên, theo UBND Đắk Glong, địa phương không có quỹ đất công nên việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất trên địa bàn chủ yếu thực hiện bố trí xen ghép cho các đối tượng thụ hưởng nên gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, năm 2022, huyện Tuy Đức đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở là 49 hộ; đất ở 40 hộ; đất sản xuất 62 hộ; chuyển đổi nghề 40 hộ;... Đến thời điểm hiện nay, huyện đã triển khai xây dựng xong 29/49 căn nhà ở. UBND huyện Tuy Đức cũng đang gặp khó khi một số xã không còn quỹ đất để cấp cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện và hồ sơ thanh quyết toán đối với các nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, theo quy định phải xây dựng trên đất quy hoạch khu dân cư hoặc đất có thổ cư. Tuy nhiên, những hộ nghèo trên địa bàn huyện Tuy Đức phần lớn sinh sống trên đất nông nghiệp dẫn đến việc khó khăn thực hiện và giải ngân nguồn vốn.

ho-ngheo-1-.jpg
Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2022, số hộ nghèo của huyện Đắk Glong là 4.545 hộ với 24.200 khẩu, chiếm tỷ lệ 25,68%; trong đó, hộ nghèo DTTS là 3.943 hộ với 21.588 khẩu

Các địa phương đề xuất, đối với các trường hợp thiếu đất, không có đất sản xuất nhưng không bố trí được quỹ đất, xin điều chỉnh nội dung hỗ trợ từ “hỗ trợ đất sản xuất” sang nội dung hỗ trợ “chuyển đổi nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 8, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc: “...có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề”; nguồn vốn phân bổ cho nội dung hỗ trợ đất sản xuất là nguồn vốn đầu tư phát triển nhưng nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề thuộc nội dung chi của vốn sự nghiệp theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính. Do vậy, đối với địa phương không có quỹ đất để bố trí đất sản xuất muốn chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề thì không có cơ sở pháp lý để chuyển vốn đầu tư phát triển sang thực hiện các nội dung chi thuộc vốn sự nghiệp.

ADQuảng cáo

Linh hoạt thực hiện để đồng bào hưởng lợi 

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn thực hiện các nội dung dự án thành phần, Ban Dân tộc đã đề nghị UBND các huyện, thành phố đăng ký nhu cầu. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tổng hợp làm căn cứ phân bổ kinh phí.

Tuy nhiên, các địa phương lại chưa xác định được quỹ đất công hiện có trên địa bàn trước khi đăng ký nhu cầu thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, dẫn đến hạn chế tính khả thi trong triển khai thực hiện. Mặt khác, nguồn vốn được phân bổ thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất là nguồn vốn đầu tư phát triển, còn nguồn vốn thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề thuộc nguồn vốn sự nghiệp. Do vậy, khó chuyển đổi từ nguồn vốn hỗ trợ đất sang vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Hiện nay chưa có quy định của pháp luật về chuyển nguồn vốn đầu tư phát triển sang thực hiện nhiệm vụ chi của vốn sự nghiệp. Do vậy, trong lúc chưa có văn bản quy định, hướng dẫn, các địa phương cần linh hoạt và tiếp tục thực hiện nội dung dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động để người dân nhận chuyển nhượng, cho, tặng trong gia đình, người thân, cộng đồng,… để kịp thời giải quyết đất sản xuất.

img_7593(1).jpg
Việc triển khai hỗ trợ nhà ở gặp khó khăn do hầu hết các hộ DTTS nghèo đang sinh sống trên đất nông nghiệp

Để triển khai nội dung hỗ trợ nhà ở, hiện nay các bộ, ngành Trung ương và tỉnh ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn. Tỉnh Đắk Nông đã phân bổ ngân sách sách Nhà nước cho các huyện để triển khai. Ngoài việc phải thực hiện đúng theo quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung, hồ sơ, trình tự thủ tục... theo các văn bản quy định, hướng dẫn của chương trình, các địa phương phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành như Luật đầu tư công, Luật đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành khác của địa phương. Vì vậy, các huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành triển khai kịp thời nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu của đồng bào DTTS và giải ngân nguồn vốn đã phân bổ.

Tại các buổi kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Đắk Glong và Tuy Đức vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến yêu cầu, các địa phương tiến hành rà soát các loại đất để cấp, hỗ trợ cho các đối tượng trong dự án. Có thể tính đến phương án thu hồi những diện tích đất bị lấn chiếm, đất giao cho doanh nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc xảy ra sai phạm để chuyển đổi cấp cho người dân.

Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương và sở, ngành liên quan nên linh động, không cứng nhắc, tích cực giải quyết tháo gỡ vướng mắc để làm cho được, tạo điều kiện để người dân hưởng lợi cao nhất...

le-chien-copy.jpg

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1.

Cụ thể, mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là tối đa 40 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng; Hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất...

Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là tối thiểu 4 triệu đồng/hộ... Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các địa phương huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục gỡ khó để cấp đất, nhà ở cho người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO