Từ nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, có nhiều cánh đồng thực hiện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để sản xuất đạt hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc duy trì, mở rộng cách làm này vẫn đang là cái khó của ngành Nông nghiệp và nông dân các địa phương.
Những năm trước đây, xã Đức Xuyên (Krông Nô) được đánh giá là trung tâm sản xuất ngô lai F1. Việc đưa mô hình sản xuất ngô giống F1 vào trồng trong vụ đông xuân đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây ngô giống F1 trồng tại huyện Krông Nô được Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam liên kết với nông dân sản xuất đại trà. Các nông hộ được hướng dẫn áp dụng một quy trình sản xuất chặt chẽ từ khâu làm đất đến thu hoạch.
Ngoài việc chọn vùng đất thịt nhẹ, pha cát sản xuất ngô giống lai F1 là rất phù hợp, đạt năng suất cao. Thế nhưng, để sản xuất bài bản, chất lượng cao phải tập trung thành từng vùng riêng biệt, đòi hỏi người dân phải tuân thủ tuyệt đối quy trình trong sản xuất. Tùy theo từng loại giống, việc sản xuất ngô lai F1 phải áp dụng các biện pháp cách ly với các giống ngô lai khác từ 200 – 500m.
Đồng ruộng sản xuất ngô lai F1 phải bố trí lịch thời vụ sao cho phù hợp. Ngô phải trổ cờ, phun râu trước và sau ít nhất từ 10 - 15 ngày đối với vùng sản xuất hạt ngô giống.
Nông dân xã Buôn Choáh cày ải để gieo sạ lúa vụ đông xuân |
Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, để triển khai sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện tốt chuỗi liên kết, trước hết bà con nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất, trung thành với cam kết.
Thứ nữa là trung thành về giá bán với nhà đầu tư. Doanh nghiệp đã đầu tư “từ a đến z” cho bà con để có được sản phẩm, nhưng khi có người đến mua giá cao thì bà con sẵn sàng phá vỡ hợp đồng là điều không nên.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp lâu nay, vụ đông xuân này, việc thực hiện biện pháp hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp được các cấp, ngành, đơn vị và nông dân ý thức rõ ràng hơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh cho hay: “Điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất nông sản của nông dân lâu nay thường khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nông dân bị tai tiếng là phá vỡ hợp đồng, nhưng thực tế nhiều trường hợp cũng bị doanh nghiệp bỏ rơi trong sản xuất. Chính vì vậy, nông dân rất cần những đơn vị làm ăn thực chất, có đủ nguồn lực khi đầu tư vào địa phương.
Năm nay, đơn vị đã tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các mô hình VietGAP trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình như trồng lúa, gà đẻ trứng, cam, mật ong… đều đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất lúa, cam quýt… có chứng nhận VietGAP hiện nay được xem là địa điểm để bà con nông dân đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm và làm theo. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống cho các nông hộ. Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Ông Trần Đình Nhật, Phó Giám đốc Công ty Tăng trưởng xanh Toàn cầu (Đắk Lắk) cho biết: “Với vai trò là đơn vị tư vấn, Công ty cũng cần lượng hàng hóa đủ để cung cấp cho bạn hàng. Do đó, chúng tôi luôn tin tưởng vào sự hợp tác của nông dân nên mạnh dạn liên kết sản xuất”.
Theo ông Nhật, vụ đông xuân này, Công ty đã liên kết đầu tư cho nông dân Krông Nô sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình sản xuất, Công ty đã cấp 440 chứng nhận VietGAP cho các nông hộ. Đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.