Tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 27

14/03/2025 17:13

Tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh là nội dung của kế hoạch hành động ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2025.

Cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh

Cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh (Hình từ Internet)

Tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh

Tại Quyết định 176/QĐ-BLĐTBXH, kế hoạch hành động ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2025 về thực hiện tốt chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ như sau:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quan hệ lao động và tiền lương đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó: Tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo tinh thầnNghị quyết 27-NQ/TW năm 2018; Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW; Hướng dẫn, hỗ trợ các bên triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách lao động, tiền lương, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất; kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động, bảo đảm 100% địa phương hoàn thành xây dựng Đề án vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về lao động, quan hệ lao động và tiền lương; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, tiền lương và quan hệ lao động tại một số địa phương, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Thúc đẩy và triển khai hiệu quả các hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia và Ủy ban Quan hệ lao động.

Nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết 27

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp được quy định như sau:

* Về mức lương tối thiểu vùng

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.

- Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...).

- Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia; bổ sung các chuyên gia độc lập tham gia Hội đồng.

* Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập

- Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.

- Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Tăng cường vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

* Đối với doanh nghiệp nhà nước

- Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp.

- Phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước. Mức lương cơ bản được điều chỉnh phù hợp theo mức lương của thị trường trong nước và khu vực. Từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp, trong đó có khống chế mức lương tối đa theo kết quả sản xuất kinh doanh và mức tiền lương bình quân chung của người lao động. Thực hiện công khai tiền lương, thu nhập hằng năm của người đại diện vốn nhà nước và tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

- Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích, Nhà nước tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết thu nhập bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người quản lý, người lao động và Nhà nước.

Xem thêm tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Lê Quang Nhật Minh

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/80777/tiep-tuc-cai-cach-tien-luong-trong-khu-vuc-san-xuat-kinh-doanh-theo-nghi-quyet-27
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/80777/tiep-tuc-cai-cach-tien-luong-trong-khu-vuc-san-xuat-kinh-doanh-theo-nghi-quyet-27
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 27
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO