Việc các ngành, địa phương vào cuộc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Hoạt động đóng bao cà phê xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Ảnh: Bình Minh |
Tại Tây Nguyên, năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 235 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 103.357 tỷ đồng, tăng gần 203% so với năm 2016 và 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn gần 110 triệu USD. Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai là những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đăng ký triển khai các dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo đánh giá, việc xúc tiến đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên đã có bước đổi mới, ngoài việc tổ chức các hội nghị, biên tập tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, công khai cụ thể các dự án thu hút đầu trên các cổng thông tin điện tử, sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh còn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là cải thiện cách ứng xử của bộ máy chính quyền, cải cách các thủ tục hành chính sao cho nhanh chóng, gọn nhẹ nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư về thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo.
Tại các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, theo Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tỉnh, thành phố trong vùng này đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. 100% tỉnh, thành phố bảo đảm thực hiện các cam kết cơ bản, như: Tổ chức định kỳ đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với các doanh nghiệp (bên cạnh các cuộc đối thoại chuyên đề của các sở, ngành), lập đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố; thực hiện cơ chế một cửa liên thông…
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, những cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các cơ quan quản lý thời gian qua là rõ rệt, có tác động mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp, được cộng đồng ghi nhận. Niềm tin và khát vọng kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được hun đúc, nâng lên một bước. Tuy nhiên, kết quả đó chưa thể hài lòng cũng như đòi hỏi cần có sự nỗ lực, bứt phá hơn nữa để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Mỗi cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu phải nhận thức hết trách nhiệm, yêu cầu công việc cũng như lấy hiệu quả làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các bộ, ngành xác định rõ ý thức chung là quán triệt tinh thần đổi mới, sáng tạo; làm tốt vai trò, nhiệm vụ là thành viên của một Chính phủ kiến tạo với mục đích cao nhất phục vụ doanh nghiệp hiệu quả.
Trong một động thái gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan hữu quan đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2018, với đích đến là nâng thứ hạng chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam lên hạng 50-60 về môi trường kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tới các giải pháp cải thiện chỉ số còn thấp điểm và thấp hạng như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp; mở rộng thêm nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, Bộ sẽ tập trung vào việc huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và kinh doanh; cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng... Trong đó, doanh nghiệp là mục tiêu hướng tới, phục vụ. Bởi, vấn đề không chỉ là rà soát, cắt giảm số lượng thủ tục, điều kiện kinh doanh thuần túy mà quan trọng hơn là chất lượng cuối cùng của công tác đó, với câu hỏi: Có đi vào cuộc sống hay không, ở mức độ nào...?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, các cấp, ngành cần tự giác chủ động bước vào năm mới, với tinh thần quyết tâm ngay từ đầu năm; trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan và hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, cần tiếp tục giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Năm 2018, hệ thống cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp nhằm cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới, nhanh chóng đưa Việt Nam đứng vào nhóm ASEAN 4.