Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín - Hồi sinh những trái tim yếu tại Đắk Nông
Trong lần thứ 3 trở lại Đắk Nông với hành trình hồi sinh những trái tim non nớt, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng bác sĩ Đỗ Nguyên Tín – Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, Chủ tịch Liên Chi hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh – người dẫn đầu đoàn công tác.
Mỗi lần đặt chân đến Đắk Nông, bác sĩ Tín đều mang trong mình nhiều cảm xúc khó tả, vừa xúc động trước hoàn cảnh của các em nhỏ nơi vùng đất còn nhiều khó khăn, vừa trăn trở với câu hỏi: làm sao để những trái tim bé bỏng ấy được chữa lành và phát triển khỏe mạnh như bao trẻ em khác.

Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đỗ Nguyên Tín về kết quả khám sàng lọc tim bẩm sinh; đồng thời chia sẻ những khuyến cáo chuyên môn quan trọng giúp cha mẹ, cộng đồng nâng cao nhận thức, chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch cho trẻ nhỏ.
PV: Thưa bác sĩ, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật từ chương trình khám sàng lọc tim bẩm sinh tại Đắk Nông lần này?
TS.BS Đỗ Nguyên Tín: Trong 2 ngày làm việc khẩn trương, đoàn công tác gồm 39 thành viên của chúng tôi, trong đó có 6 bác sĩ chuyên khoa tim mạch cùng các điều dưỡng và kỹ thuật viên lành nghề đã trực tiếp thăm khám cho hơn 2.000 trẻ em tại các điểm khám trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Kết quả ban đầu cho thấy có 39 trường hợp, chiếm khoảng 2% tổng số trẻ được khám có dấu hiệu bất thường về tim mạch. Các bệnh lý được phát hiện chủ yếu là thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van tim, tăng áp phổi... Đây đều là những bệnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
PV: Thưa bác sĩ, ông đánh giá thế nào về tỷ lệ trẻ phát hiện bất thường tim mạch tại Đắk Nông so với các địa phương khác?
TS.BS Đỗ Nguyên Tín: Tỷ lệ 2% trẻ được phát hiện có dấu hiệu bất thường về tim mạch tại Đắk Nông là con số khá cao, nhất là khi so với mặt bằng chung cả nước – vốn chỉ dao động quanh mức 1% trong các đợt khám sàng lọc tương tự.
Điều này phản ánh một thực tế đáng lưu tâm. Cụ thể, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa như Đắk Nông vẫn còn thiếu cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chuyên sâu, đặc biệt là các chương trình tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tim bẩm sinh. Nhiều phụ huynh hoàn toàn không biết con mình đang mang bệnh cho đến khi được khám sàng lọc. Thậm chí có những trường hợp trẻ bị bệnh, đã tiến triển trong thời gian dài mà chưa từng được thăm khám đúng chuyên khoa.
.jpg)
Như trường hợp bé V.H.A (SN 2023), trú tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa được chẩn đoán mắc thông liên nhĩ lỗ thứ phát, đường kính lên tới 10mm, kèm theo giãn tim phải. Đây là dạng bệnh lý tim bẩm sinh dễ biến nguy hiểm thành nặng, cần phải điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ…
Từ thực tiễn đó, có thể thấy rõ vai trò không thể thay thế của các chương trình khám sàng lọc lưu động như thế này. Không chỉ giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, mà quan trọng hơn, nó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tim mạch cho trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước.
PV: Sau khi phát hiện các trường hợp trẻ có dấu hiệu bất thường, đoàn bác sĩ có kế hoạch hỗ trợ như thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Đỗ Nguyên Tín: Cũng như những lần khám trước, với những trường hợp phát hiện bất thường, chúng tôi tiến hành phân loại cụ thể theo mức độ nguy cơ và chuyên khoa liên quan. Có những em chỉ cần theo dõi định kỳ, điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống tại nhà hoặc tại cơ sở y tế địa phương.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp cần can thiệp sâu hơn, thậm chí phải phẫu thuật hoặc điều trị dài hạn tại bệnh viện chuyên khoa tuyến trên.

Với các ca nặng, chúng tôi đã tư vấn trực tiếp cho phụ huynh về tình trạng bệnh, hướng điều trị phù hợp, thời điểm can thiệp và nơi điều trị tốt nhất; đồng thời, đoàn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em được tiếp cận y tế chuyên sâu tại các thành phố lớn.
Chúng tôi luôn nhấn mạnh với các gia đình, việc phát hiện sớm chính là "cánh cửa vàng" để kịp thời điều trị, giảm thiểu di chứng và mở ra cơ hội hồi sinh cho những trái tim yếu ớt. Với sự đồng hành của y tế và cộng đồng, các em hoàn toàn có thể lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
PV: Từ góc độ chuyên môn, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch cho trẻ?
TS.BS Đỗ Nguyên Tín: Điều tôi muốn nhấn mạnh là đừng chờ đến khi trẻ có dấu hiệu bất thường mới đưa đi khám. Nhiều bệnh lý tim bẩm sinh tiến triển âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu bỏ lỡ “thời điểm vàng” để can thiệp sớm, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này.
Phụ huynh nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ theo từng giai đoạn phát triển, tối thiểu mỗi năm một lần đối với trẻ nhỏ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện như gầy yếu, chậm lớn, hay mệt mỏi, khó thở, tím tái… thì cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra ngay, vì đây có thể là dấu hiệu của những bất thường tim mạch tiềm ẩn.
Ngoài ra, tôi khuyến nghị chính quyền địa phương nên duy trì và mở rộng các chương trình sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại cộng đồng, trường học, phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện chuyên khoa nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Đây không chỉ là vấn đề y tế, mà còn là trách nhiệm xã hội sâu sắc đối với thế hệ tương lai.
PV: Thưa bác sĩ, ông đánh giá thế nào về vai trò phối hợp của Báo Đắk Nông trong các chương trình suốt những năm qua?
TS.BS Đỗ Nguyên Tín: Tôi rất cảm kích sự đồng hành của Báo Đắk Nông trong suốt thời gian qua. Không chỉ làm tốt công tác truyền thông trước chương trình, giúp người dân kịp thời nắm thông tin và đưa trẻ đến khám mà còn hỗ trợ tích cực trong khâu tổ chức, kết nối địa phương, đưa tin sâu sát, đầy trách nhiệm.

Đối với chúng tôi, báo chí không đơn thuần là kênh thông tin mà còn là một người bạn đồng hành cùng ngành y tế trên hành trình vì sức khỏe cộng đồng. Sự tận tâm, chuyên nghiệp và chủ động của Báo Đắk Nông đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp nhân văn, nâng cao nhận thức xã hội về chăm sóc sức khỏe trẻ em, đồng thời kết nối hiệu quả các nguồn lực để mang y tế chất lượng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ rất ý nghĩa!