Thông tin từ Bộ VTTTDL cho biết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo có đề cập về vấn đề tiền lương; giải quyết việc làm cho người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu, giải quyết việc làm cho nghệ sĩ biểu diễn sau thời kỳ đỉnh cao.
Hoạt động Nghệ thuật biểu diễn đã có những sự phát triển nhất định
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành đã khuyến khích, động viên các tài năng trẻ, các nghệ sĩ diễn viên trực tiếp tham gia học tập, bồi dưỡng, luyện tập, biểu diễn yên tâm học tập, công tác; tạo điều kiện cho người lao động nghệ thuật phát huy sức sáng tạo để xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa đạt chất lượng cao phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hoạt động Nghệ thuật biểu diễn đã có những sự phát triển nhất định, nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn phong phú, đa dạng, có giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Định hình các vị trí nghề nghiệp chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như diễn viên đóng vai chính, vai chính thứ, vai phụ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính, chính thứ, diễn viên múa chính, chính thứ; nhạc công độc tấu (solist) với dàn nhạc, nhạc công trong dàn nhạc; chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc sân khấu truyền thống; nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ…
Bộ trưởng cho biết, đối với các đơn vị hằng năm có nguồn thu biểu diễn, sau khi thực hiện đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, nếu có khả năng tài chính thì được xem xét vận dụng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, bồi dưỡng luyện tập và bồi dưỡng biểu diễn đối với diễn viên hợp đồng và bồi dưỡng thêm cho diễn viên trong biên chế.
Chia sẻ về một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là chế độ tiền lương, Bộ trưởng cho biết, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.
Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên.
6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn vẫn giữ nguyên
Về chế độ bồi dưỡng, theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể (chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập.
Chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn).
"Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống.
Vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn" - Bộ trưởng cho hay.
Thời gian đào tạo dài, tuổi nghề ngắn, hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu
Về tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BL ĐTBXH có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định tại các văn bản này, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Đặc thù của nghệ sĩ, diễn viên là được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (từ 07 năm đến 12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm), tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu.
Tuy nhiên, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn. Bình quân khoảng từ 15 năm đến 20 năm, khi đến độ tuổi từ 35 tuổi đến 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 tuổi đến 45 tuổi (đối với nam), khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như: Xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính vì không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức do đa số các diễn viên chỉ có bằng trung cấp nghề.
Mặt khác, trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi chế độ chính sách đối với nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật
Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho nghệ sĩ biểu diễn sau thời kỳ đỉnh cao.
Cụ thể là đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó là tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có quy định về chính sách tuyển dụng đối với người học các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm.
Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tiễn; Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.