PV: Nhìn chung việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi khó khăn hơn so với các nhóm đối tượng khác. Vậy, ở Đắk Nông kết quả thực hiện ra sao, thưa bác sĩ?
Bs Huỳnh Thanh Huynh: Tính đến 13h ngày 16/8/2022, toàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện 131.368 mũi tiêm các liều cơ bản vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên tổng số 99.227 đối tượng trong độ tuổi được thống kê trên địa bàn. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 là 83,5%, mũi 2 là 48,5%.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng hiện gặp nhiều khó khăn, tâm lý của các bậc phụ huynh còn chủ quan, lơ là, một số e ngại khi cho con tiêm vắc xin. Nhiều trường hợp đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ và cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Đồ họa: Nguyễn Nam |
PV: Thưa bác sĩ, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nói trên và ngành Y tế có giải pháp gì để cải thiện tình hình?
Bs Huỳnh Thanh Huynh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 - dưới 12 tuổi còn thấp. Trước hết, do thời gian qua là dịp trẻ được nghỉ hè, di chuyển đến một số địa phương khác. Bên cạnh đó, từ tháng 5 đến tháng 7/2022 đã có nhiều trẻ mắc Covid-19, nhưng tình trạng bệnh hầu hết đều nhẹ khiến các gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh. Do đó, các gia đình không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.
Một số phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm; sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Hơn nữa, phụ huynh còn e ngại các tác hại lâu dài của vắc xin đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển còn ở mức thấp.
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn còn thấp là trước khi tiêm phải được sự chấp thuận của bố mẹ. Đồng thời, các em cũng được yêu cầu phải có bố mẹ/người giám hộ đi cùng khi tiêm.
Đẩy mạnh tiêm chủng cho đối tượng trẻ em từ 5 - 12 tuổi để bảo đảm an toàn cho các em trong năm học mới |
Trước tình trạng trên, ngành Y tế đã có những giải pháp như: Tăng cường truyền thông, tư vấn cho học sinh, sinh viên, cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em về tác dụng lợi ích của việc tiêm chủng; những phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm chủng; trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận đưa trẻ đi tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Ngành tiếp tục tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các địa phương. Ngành Y tế tiếp tục tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là nhóm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đi đôi với đó, ngành Y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng do mắc Covid-19, bảo đảm bao phủ vắc xin cho trẻ trước khi đến trường trong năm học mới.
PV: Số lượng ca mắc Covid-19 ở nhiều nơi có dấu hiệu tăng trở lại. Còn vài ngày nữa là bước vào năm học mới, bác sĩ có lời khuyên nào cho phụ huynh về việc cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19?
Bs Huỳnh Thanh Huynh: Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em với phương châm: “Tiêm đến đâu, an toàn đến đó”. Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đây không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Mỗi trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch, sẽ bảo vệ bản thân trẻ và cộng đồng. Mọi người hãy cùng cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!