Cắt băng khai mạc Gian hàng Việt Nam 2023 ngày 25/5. (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Singapore)
Theo số liệu của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore, kim ngạch xuất nhập khẩu các nhóm hàng liên quan vải và nhãn của Singapore với thế giới năm 2022 đạt hơn 11,27 triệu SGD đối với vải và hơn 11,81 triệu SGD đối với nhãn.
Đối với mặt hàng vải, quả vải tươi đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 7,2 triệu SGD (tương đương 64% tổng kim ngạch), cao hơn so với sản phẩm vải chế biến.
Trong khi đó, nhu cầu đối với nhóm hàng nhãn đã chế biến và nhãn tươi chênh lệch nhau không nhiều.
Trong năm 2022, mặt hàng nhãn chế biến đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 5,3 triệu SGD (tương đương 45% tổng kim ngạch) và nhãn tươi đạt kim ngạch hơn 4,6 triệu SGD (tương đương 39% tổng kim ngạch).
Trong7 nước xuất khẩu vải tươi nhiều nhất vào thị trường Singapore, Trung Quốc là nước dẫn đầu với kim ngạch vượt trội (đạt 5,8 triệu SGD năm 2022, chiếm 85,8% thị phần).
Tiếp theo sau là Australia (720 nghìn SGD), Việt Nam (43 nghìn SGD), Nam Phi (52 nghìn SGD), Thái Lan (24 nghìn SGD). Về mức tăng trưởng, số liệu ở bảng 2 cho thấy nhu cầu của thị trường Singapore đối với mặt hàng vải tươi có mức độ biến động khá lớn và thay đổi nhanh.
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu vải tươi của Singapore với thế giới tăng 13,1%, nhiều đối tác có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao như Việt Nam (tăng 83%) Đài Loan (tăng 12,75 lần), Malaysia (tăng 7,28 lần).
Năm 2022, hầu hết các đối tác đều suy giảm với mức độ khá lớn như Việt Nam (giảm 62,1%), Malaysia (giảm 86,2%), Đài Loan (giảm 74,5%)… dẫn đến tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 25,9%.
Đối với mặt hàng vải qua chế biến, mặc dù có sự biến động khá mạnh về kim ngạch nhập khẩu của Singapore đối với một số nước, nhưng nhìn chung nhu cầu nhập khẩu đối với nhóm hàng này vẫn duy trì được tăng trưởng dương với tốc độ khá tốt (tăng 7,7% năm 2021 và 30,2% năm 2022) trong những năm qua.
Đáng chú ý, mặc dù vẫn là đối tác xuất khẩu vải chế biến lớn thứ 3 nhưng tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vải chế biến của Việt Nam là khá thấp (chỉ khoảng 10%, còn lại 90% kim ngạch là Việt Nam nhập khẩu vải chế biến từ Singapore) và liên tục tăng trưởng âm (giảm 6,7% năm 2021 và 10,7% năm 2022).
Đối với mặt hàng nhãn tươi, Thái Lan là nước dẫn đầu với kim ngạch gần như tuyệt đối (đạt gần 4,2 triệu SGD năm 2022, chiếm 98,38% thị phần).
Tiếp theo sau là Malaysia (64 nghìn SGD), Việt Nam (4 nghìn SGD), Trung Quốc (1 nghìn SGD). Về mức tăng trưởng, nhu cầu của thị trường Singapore đối với mặt hàng nhãn tươi có chiều hướng giảm khá rõ rệt.
Trái với mặt hàng nhãn tươi, nhu cầu của thị trường Singapore đối với nhóm hàng nhãn sấy khô chứng kiến mức tăng trưởng khá tốt những năm qua (đạt 1,74 triệu SGD năm 2022, tăng 17,2%), hầu hết các đối tác xuất khẩu hàng đầu đều có mức tăng trưởng hai chữ số như Thái Lan (tăng trưởng 20,9% năm 2022, đạt kim ngạch hơn 1,06 triệu SGD), Trung Quốc (tăng trưởng 20,3%, đạt kim ngạch 616 triệu SGD).
Nhãn khô của Việt Nam vào thị trường Singapore năm 2021 chỉ đạt 20 nghìn SGD năm 2022.
Đại sứ Mai Phước Dũng và Tham tán thương mại Cao Xuân Thắng mời khách thăm quan gian hàng Việt Nam nếm thử quả vải tươi Việt Nam 2023. (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Singapore)
Để xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Singapore, sản phẩm phải đáp ứng được các điều kiện do Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore yêu cầu. Trái cây tươi được hiểu là trái cây tươi nguyên và chưa qua chế biến.
Nếu trái cây đã qua quá trình gia công như cắt gọt, bóc vỏ, đóng hộp, đông lạnh, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu đối với thực phẩm chế biến và các điều kiện để nhập khẩu thực phẩm chế biến.
Theo Quy định kiểm soát thực vật của Singapore, các loại trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết: - Không chứa/tồn dư bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật bị cấm nào, - Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất độc hại phải tuân thủ theo yêu cầu của Singapore và FAO/WHO. Về quy định nhãn mác, phải đảm bảo chính xác và đầy đủ các thông tin: - Tên và địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất, - Mô tả sản phẩm, - Ngày xuất khẩu/đóng gói. Về yêu cầu riêng cho quả vải và nhãn tươi nhập khẩu: hàm lượng tồn dư Sulphur dioxide không vượt quá 50ppm. |
Trong những năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có nhiều hoạt động xúc tiến, tập trung hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trong đó có các sản phẩm nông sản tươi sống và chế biến.
Đặc biệt ưu tiên với các sản phẩm có tính mùa vụ cao, trong đó có quả vải và nhãn. Kết quả hoạt động xúc tiến cho thấy, năm 2021, sản phẩm vải tươi đã đạt được mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá tốt.
Tuy nhiên đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vải và nhãn của Việt Nam sang Singapore bị suy giảm mạnh. Có thể có nhiều nguyên nhân như suy giảm kinh tế, thắt chặt chi tiêu, nhưng một trong những nguyên nhân trực tiếp là chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng của sở tại.
Năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Singapore tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản nói chung và quả vải, nhãn nói riêng.
Thương vụ đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương một số địa phương (Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp) cung cấp thông tin liên hệ của Thương vụ và đề nghị các địa phương giới thiệu các doanh nghiệp quan tâm xuất khẩu rau và quả tươi vào thị trường Singapore. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam liên hệ với Thương vụ để xem xét gửi mẫu chào hàng năm 2023.
Ngày 25/5, Thương vụ đã chủ trì triển khai Gian hàng Việt Nam tại hội chợ triển lãm quốc tế tại Marina Bay Sands, đây là Gian hàng đầu tiên của chuỗi sự kiện Tuần lễ Việt Nam 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore.
Đại sứ Mai Phước Dũng và Tham tán thương mại Cao Xuân Thắng đã trực tiếp có hoạt động xúc tiến, chào mời khách VIP thăm quan Gian hàng thử trái vải tươi của Việt Nam.
Để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm rau, củ quả tươi, trong đó có quả vải và quả nhãn vào thị trường Singapore, các địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường công tác quản lý quy trình sản xuất từ trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch các sản phẩm nông sản thực phẩm nhằm đảm bảo các sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Việc xúc tiến đưa các sản phẩm vào thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển, là rất khó khăn và tốn kém. Khi đã vào được thị trường rồi thì vẫn cần phải duy trì tốt chất lượng sản phẩm đồng đều và đáp ứng yêu cầu của sở tại, nếu không đáp ứng được sẽ đào thải và rất khó để lấy lại uy tín.
Đây không chỉ là uy tín của riêng doanh nghiệp mà còn là thương hiệu quốc gia./.