Tiềm năng phát triển từ rừng phòng hộ Thác Mơ

Đức Hùng| 01/02/2023 11:14

Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Thác Mơ (Tuy Ðức) có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều thắng cảnh đẹp. Nơi đây có khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu.

RPH Thác Mơ rộng 6.567 ha, trong đó rừng tự nhiên 6.324 ha; rừng trồng 117 ha. Nhiều năm qua, BQLRPH Thác Mơ đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

RPH đang duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của các con sông, suối lớn của khu vực sông Đồng Nai. Đặc biệt, nơi đây có chức năng phòng hộ biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Trên lâm phần của đơn vị có nhiều cây gỗ quý, hiếm. Trong đó, cây gỗ giáng hương gần 450 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL RPH Thác Mơ cho biết, được công nhận là Cây di sản sẽ thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại RPH Thác Mơ. Cây di sản sẽ là điểm đến hấp dẫn trong phát triển du lịch sinh thái tại đơn vị.

Nhiều thảm cỏ đẹp thuận lợi phát triển du lịch sinh thái

Năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 của BQL RPH Thác Mơ.

Theo đó, BQL RPH Thác Mơ được thực hiện mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích dự kiến là 262 ha, theo hình thức liên kết với các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện.

BQL RPH Thác Mơ được tổ chức, xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích 113 ha; được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên diện tích đất trống, trảng cỏ và tận dụng hệ thống đường lâm nghiệp sẵn có trên lâm phần đơn vị quản lý.

Tổng vốn nhu cầu đầu tư xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 là hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là 11,5 tỷ đồng.

RPH Thác Mơ nhận Bằng công nhận Cây di sản

Nguồn vốn tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng là hơn 54,2 tỷ đồng; nguồn vốn kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân liên kết trong đầu tư phát triển du lịch sinh thái, kinh doanh dược liệu, trồng rừng và từ các hộ dân liên kết trồng rừng và trồng rừng nông lâm kết hợp là hơn 171 tỷ đồng.

BQL RPH Thác Mơ đã đánh giá rừng và tài nguyên rừng để xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng lâu dài, bền vững trong khu vực.

BQL RPH Thác Mơ triển khai các chương trình hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

RPH Thác Mơ sẽ thu hút người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực nhằm giảm dần sức ép của người dân sống trong rừng và gần rừng đối với BQL.

Không gian nghỉ dưỡng lý tưởng giữa rừng

Đơn vị sẽ tiến hành chương trình giáo dục, tuyên truyền vận động cộng đồng người dân địa phương về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL RPH Thác Mơ cho biết, đơn vị có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch nhân văn vì lâm phần nằm ở xã Quảng Trực, gắn liền với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số người M'nông.

BQL RPH Thác Mơ nằm giáp ranh với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và có tuyến quốc lộ 14C đi qua, nên sẽ cùng phối hợp xây dựng tuyến du lịch giữa 3 đơn vị.

Các tài nguyên đặc trưng trên lâm phần để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, các con suối, thác lớn như thác nước thuộc suối Girh; suối Đắk Ka; suối Đắk Bô và thác nước, suối thuộc tiểu khu 1444.

BQL RPH Thác Mơ thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng

Ông Khương cho biết thêm: "Phát triển du lịch sẽ góp phần giữ gìn và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đơn vị phát triển du lịch lấy hiệu quả kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường làm mục tiêu phát triển".

Đối với việc liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, ông Khương cho rằng, đơn vị rất thuận lợi, vì đường giao thông thuận tiện, trạng thái rừng là thường xanh trung bình, bảo đảm cho việc phát triển của các loài dược liệu.

Trên diện tích đăng ký trồng cây dược liệu, đơn vị đã triển khai khoanh vùng bảo vệ một số loài có trong tự nhiên để lấy giống mở rộng diện tích như: giảo cổ lam, nhân trần, sâm cau...

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiềm năng phát triển từ rừng phòng hộ Thác Mơ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO