Tiềm năng phát triển du lịch Đắk Mil
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên phong phú, di sản địa chất quý giá và nền văn hóa đa dạng, Đắk Mil không chỉ là điểm dừng chân trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà còn hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Lợi thế thiên nhiên và hệ thống di sản địa chất
Đắk Mil – vùng đất phía bắc tỉnh Đắk Nông không chỉ nổi tiếng với cà phê thơm ngon mà còn sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Đắk Mil có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa đa dạng.

Hồ Tây Đắk Mil là một điểm nhấn quan trọng, với mặt nước trong xanh, bao quanh là những rặng cây xanh mát, tạo nên không gian thư giãn lý tưởng. Đây là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao dưới nước.
Hiện huyện còn có 4 điểm du lịch homestay; điểm du lịch sinh thái Đắk Ken (xã Đắk Lao) do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành khai thác, mang lại nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên.
Cùng với đó, là một trong các huyện, thành phố thuộc Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, Đắk Mil sở hữu nhiều danh thắng, di sản địa chất có giá trị nghiên cứu khoa học và du lịch.

Toàn huyện có 7 điểm dừng chân thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, gồm: vườn xoài Đắk Mil (điểm số 19); điểm dừng chân quan sát bề mặt san bằng tại cây xăng Phúc Lâm xã Đắk Gằn huyện Đắk Mil (điểm số 20); rừng cao su (điểm số 21) xã Đắk R’la: điểm dừng chân Đồi Chiến thắng 722 xã Đắk Sắk (điểm số 23); điểm dừng chân tại hoa viên Hồ Tây thị trấn Đắk Mil (điểm số 24); điểm dừng chân Nhà Ngục Đắk Mil xã Đắk Lao (điểm số 25); núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An (điểm số 26).
Những điểm di sản này không chỉ là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử - địa chất của vùng đất mà còn tạo nên những cung đường khám phá độc đáo, giúp du khách có trải nghiệm vừa khám phá thiên nhiên, vừa tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.

Thực hiện nhiều giải pháp
Theo UBND huyện Đắk Mil, nhận thức rõ tiềm năng du lịch, huyện Đắk Mil đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành này phát triển.
Các điểm dừng chân kết nối với tour, tuyến du lịch trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa điểm trong quần thể CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cũng được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú, ẩm thực của du khách.

Huyện cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển các điểm tham quan đã được quy hoạch và kết nối du lịch địa phương với các tuyến du lịch sinh thái, văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cũng được quan tâm, đặc biệt là việc bảo tồn các di tích lịch sử quan trọng.
Các nội dung liên quan đến hoạt động du lịch, ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng được cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của huyện, giúp người dân và du khách nắm bắt thông tin kịp thời...
Tính đến năm 2024, trên địa bàn huyện Đắk Mil có 3 khách sạn (109 phòng), hơn 30 nhà nghỉ (gần 500 phòng); có 4 nhà hàng phục vụ gần 2.500 chỗ ngồi.
Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, Đắk Mil chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Các đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phục vụ các chương trình biểu diễn, lễ hội, tạo nét đặc trưng riêng cho du lịch địa phương...
.jpg)
Nhờ sự quan tâm đầu tư, mỗi năm Đắk Mil đón khoảng 70.000 lượt khách, mang lại tổng thu nhập từ du lịch khoảng 14 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Đắk Mil, hiện tại cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, do kinh phí đầu tư hạ tầng còn thấp, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Thời gian tới, Đắk Mil sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với văn hóa bản địa và thiên nhiên. Địa phương hoàn thiện hạ tầng du lịch, đặc biệt là đường giao thông, các điểm dừng chân trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Huyện thu hút đầu tư vào các khu du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá du lịch, sử dụng công nghệ số để thu hút du khách và kết nối tour tuyến hiệu quả hơn.
Với phương châm “tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội”, huyện Đắk Mil cần tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, nhất là 2 di tích lịch sử cấp quốc gia; phát triển y tế, giáo dục, xây dựng văn hóa, con người Đắk Mil đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 50 Ngày giải phóng Đức Lập, tối 9/3/2025