Kinh tế

Tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện biên giới Đắk Nông

Hưng Nguyên 28/02/2024 05:21

Vùng biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được thiên nhiên ưu đãi và đang sở hữu hơn 1.000 loài cây dược liệu, nhưng tiềm năng và lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả.

Theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, huyện Tuy Đức có trên 1.000 loài cây thuốc, trong đó có trên 70 loại cây thuốc quý, hiếm có giá trị kinh tế cao. Dược liệu mọc chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên.

duoclieu-1-(1).jpg
Tuy Đức vùng đất giàu tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

Theo khảo sát, cây dược liệu có ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Quảng Trực và Đắk Ngo. Các loài dược liệu tiêu biểu như: sâm cau rừng, hà thủ ô, an xoa, diệp hạ châu, mật nhân, chuối rừng, nhân trần, khúc khắc, chó đẻ, tầm bóp, càng cua, sâm đất, cỏ lào, cây xấu hổ (cây trinh nữ), mã đề...

Ngoài các loại dược liệu mọc trong tự nhiên, thời gian qua, người dân đã quan tâm phát triển cây dược liệu theo hướng trồng để phát triển kinh tế, tạo thu nhập.

Theo số liệu thống kê của huyện Tuy Đức, hàng năm người dân trên địa bàn trồng được khoảng 61,7ha cây dược liệu, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 400 tấn, bao gồm các loại cây dược liệu chính như: gừng 24ha, sản lượng 216 tấn; nghệ vàng 8,5ha, sản lượng 93 tấn; ý dĩ (bo bo) 12ha, sản lượng 60 tấn; sả 13ha, sản lượng 27 tấn; an xoa 4,2ha, sản lượng 6,4 tấn...

Ngoài phát triển cây dược liệu trên, nhiều hộ dân đã tìm hiểu và đầu tư trồng các loại cây dược liệu quý trong vườn nhà như: đinh lăng, hương nhu, mật gấu, mã đề, bồ công anh, ngải cứu, ngũ da bì, tam thất, kim ngân...

Những năm qua, các ngành chức năng của huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các mô hình sản xuất cây dược liệu để phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đơn cử, năm 2018, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, huyện đã triển khai mô hình trồng cây sâm đương quy trên địa bàn xã Đắk Búk So với quy mô 0,2ha. Mô hình triển khai khá thành công. Thông qua mô hình, một số hộ dân cũng tự bỏ kinh phí để trồng sâm đương quy.

Năm 2018 và 2019, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp để hợp tác với người dân trong việc trồng cây nghệ đỏ trên địa bàn xã Quảng Tâm và Đắk Búk So.

Người dân đã liên kết với doanh nghiệp theo hình thức công ty cung ứng giống và thu mua sản phẩm. Người dân bỏ đất trồng, công chăm sóc vườn cây và đầu tư phân bón.

duoclieu-2-(1).jpg
Phát triển kinh tế từ cây dược liệu đang dần được người dân quan tâm, đầu tư. Ảnh: Bà Mai Thị Thái, ở thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, trồng nấm linh chi dưới tán rừng để làm dược liệu

Năm 2021, bà Bà Mai Thị Thái, ở thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, đã trồng thành công nấm linh chi dưới tán rừng với mức thu nhập khá cao.

Mô hình này đang mở ra triển vọng phát triển cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương và được bà duy trì phát triển nhiều năm nay.

Bà Thái chia sẻ, Tuy Đức có tiềm năng về phát triển cây dược liệu, khí hậu, điều kiện tự nhiên rất ưu đãi nếu được khai thác sẽ là nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân địa phương.

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, việc phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện trong thời gian qua nhìn chung gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng dược liệu còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Quá trình trồng cây dược liệu chủ yếu vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, trồng chủ yếu để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của các hộ dân trong điều trị các bệnh thông thường hoặc phục vụ cho các thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Trên địa bàn huyện hiện không có cơ sở trồng, khai thác dược liệu nào có quy mô đáng kể, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

"Phát triển cây dược liệu ở địa phương rất tiềm năng, nếu được khai thác tốt sẽ tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương" - ông Diện trao đổi.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện biên giới Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO