Tiềm năng lớn cho kinh tế tuần hoàn ở Đắk Nông
Những năm qua, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Vườn cà phê tái canh của anh Nguyễn Công Triều, thôn Xuân Trang, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil sau 3 năm sử dụng phân hữu cơ ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, cây phát triển tốt, khỏe, bệnh vàng lá thối rễ không còn, lá xanh dày, cho năng suất, chất lượng cao.
Anh Triều cho biết, sau khi áp dụng biện pháp ủ vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ vi sinh, tôi nhận thấy đây là một cách làm hay và hiệu quả nên gia đình bắt đầu thực hiện. Không những vậy, gia đình còn tận dụng thân cây đậu, vỏ đậu để tiến hành ủ theo quy trình được hướng dẫn. Kết quả sau hơn 3 tháng thì toàn bộ nguyên liệu đã hoàn toàn bị phân hủy trở thành phân hữu cơ hoai mục.
“Thông qua việc tận dụng phế phụ phẩm đã giúp chi phí đầu tư giảm hơn so với trước rất nhiều, nhất là khi giá cả vật tư tăng như mấy năm gần đây, đồng thời không còn tình trạng lãng phí, gây ô nhiễm nữa”, anh Triều cho biết thêm.
Đắk Nông hiện có trên 378.000 ha canh tác nông nghiệp và tổng đàn vật nuôi như đàn trâu, bò khoảng 30.000 con, đàn heo hơn 530.000 con, đàn gia cầm hơn 3 triệu con. Bên cạnh đó, nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt của khu vực dân cư là khá lớn.
Hàng năm, sản xuất nông nghiệp Đắk Nông thải ra lượng phế phẩm phẩm ước khoảng 950.000 tấn, đây là nguồn tài nguyên tái tạo lớn.
Nếu tận dụng triệt để các nguồn thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi để chế biến phân bón hữu cơ sẽ là nguồn cung cấp phân bón cho sản xuất nông nghiệp khá dồi dào, đồng thời còn góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện và Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho hay: “Việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian qua đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư hóa chất và tạo ra nông sản chất lượng, an toàn".
Mặt khác, việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp còn giúp tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ông Hồ Gấm, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho rằng: "Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, góp phần hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường..."
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn mang tính phân tán ở các lĩnh vực mà chưa có chương trình mang tính tích hợp, tổng thể. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn chưa được sâu rộng. Nguồn lực thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn chưa mạnh mẽ. Khung chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện.
Theo một số chuyên gia, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đắk Nông cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất. Tỉnh phải phân tích rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu, quy trình trồng trọt, chăn nuôi.