Tiềm năng du lịch ở huyện cửa ngõ của Đắk Nông chưa được khai thông
Sở hữu nhiều tiềm năng nhưng để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, huyện Đắk R’lấp cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp và hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Các tiềm năng tự nhiên và văn hóa để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… của huyện Đắk R'lấp đang được "đánh thức". Đến nay, trên địa bàn huyện đã có Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm chiến thắng Chiến dịch Tây Quảng Đức (Chi khu Kiến Đức).
Thác 5 tầng hay còn được biết đến là thác Đắk Sin nằm tại địa phận xã Đắk Sin, giáp với xã Hưng Bình mang nét đẹp nguyên sơ chia thành 5 tầng và trải dài hơn 3 km là một điểm đến, dã ngoại của nhiều du khách khi đến Đắk Nông thời gian gần đây.
Đặc biệt, Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn, ở xã Đắk Wer được triển khai trên diện tích 10 ha. Khu du lịch được đầu tư bài bản với hệ thống ao hồ, khu vui chơi trẻ em, Đền thờ Vua Hùng trong khuôn viên 0,5 ha... thu hút du khách tham quan mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết.
Bên cạnh đó, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo đã được UBND tỉnh Đắk Nông chọn là bon điểm để xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng. Từ năm 2012 đến nay, huyện Đắk R'lấp đã quan tâm khôi phục một số lễ hội của đồng bào bản địa như lễ sum họp cộng đồng, lễ mừng lúa mới. Địa phương tổ chức tập huấn, truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, thành lập các tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm, rượu cần… cho người dân trong bon.
Ngoài ra, một số mô hình vườn cây ăn trái có diện tích rộng, không khí thoáng mát, đa dạng về cây trồng như bơ, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, bưởi, mít, măng cụt… thích hợp xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết hợp vườn, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch.
Bên cạnh đó, tận dụng địa thế đất đẹp, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, farmstay tạo khung cảnh bắt mắt, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp hình như Bobby farm, Suối đá farm, Farm bờ suối…
Cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn
Theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện phần lớn còn hoang sơ, chưa được khai thác hợp lý. Các homestay, farmstay tự phát, xây dựng trên đất nông nghiệp.
Sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa nhiều nên du khách đến tham quan chủ yếu ngắm cảnh rồi về. Cùng với đó, địa phương thiếu nguồn nhân lực, kinh phí để triển khai các hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng...
Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, huyện Đắk R’lấp đã ban hành nhiều kế hoạch và chính sách kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, huyện đã phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk R’lấp, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện...
Địa phương hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ truyền thống ở các bon có đông đồng bào DTTS và mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa hát dân ca, dệt thổ cẩm trong giai đoạn 2023 -2025 để phục vụ cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Đắk R'lấp về phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu huyện Đắk R'lấp sớm quy hoạch và học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác trong phát triển du lịch. Trước mắt, địa phương rà soát các tiềm năng, điểm đến du lịch để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, kêu gọi đầu tư. Đồng thời, huyện cần có giải pháp cụ thể để bảo vệ tài nguyên, tiềm năng, xây dựng môi trường du lịch văn hóa, lành mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ huyện Đắk R'lấp tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch, cơ sở pháp lý cho các homestay, farmstay hoạt động hợp pháp....