Tiềm năng để phát triển chăn nuôi dê

Phan Tuấn| 28/04/2021 08:47

Với lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tập trung phát triển chăn nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thuận lợi nhiều mặt

Năm 2017, với 15 triệu đồng tiền vốn, vợ chồng anh Hà Văn Cương, ở xã Long Sơn (Đắk Mil) đã mua 4 con dê giống để chăn nuôi. Sau nhiều năm phát triển, đàn dê của anh Cương tăng lên 80 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bán dê giống và dê thương phẩm.

Kinh tế gia đình anh Hà Văn Cương, ở xã Long Sơn (Đắk Mil) phát triển ổn định nhờ chăn nuôi dê

Anh Hà Văn Cương cho biết, thị trường tiêu thụ dê thịt chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Dê được cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn với giá bán dao động khoảng 130.000 -140.000 đồng/1 kg dê hơi. Đối với dê giống, giá bán dao động từ 200.000-220.000 đồng/1 kg.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên lượng dê tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm đột ngột. Giá thịt dê thương phẩm cũng giảm sâu so với trước. Vì vậy, anh Cương quyết định không bán dê thịt mà giữ lại để gây đàn và nhân giống. Khi dịch bệnh được kiểm soát, giá dê tăng cao, anh Cương xuất bán ra thị trường mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Theo anh Cương, nuôi dê rủi ro thấp hơn so với nhiều vật nuôi khác. Dê ít xảy ra dịch bệnh, nhất là dễ dàng cầm cự với những tác động xấu từ bên ngoài. Chẳng hạn như thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, anh vẫn có thể duy trì phát triển đàn dê mà không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập gia đình. Vì nguồn thức ăn cho dê luôn sẵn có, nên hầu như không tốn chi phí đầu tư. Gia đình anh Cương còn tận dụng phân dê ủ với vi sinh để bón cho cây trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất.

Tương tự, năm 2018, anh Lê Văn Hoài, ở bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song), đầu tư 60 triệu đồng mua 13 con dê giống và xây mới chuồng trại. Anh Hoài cho biết, nuôi dê có rất nhiều ưu điểm, nguồn thức ăn tận dụng từ lá cây trong vườn rẫy, không tốn nhiều công chăm sóc mà chỉ cần tranh thủ thời gian.

Hiện nay, đàn dê của gia đình anh có 24 con, trong đó, luôn duy trì 11 con mẹ, 1 con đực, còn lại dê lớn lên sẽ được bán thịt hoặc bán giống. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Hoài thu nhập từ nuôi dê được khoảng 50 triệu đồng.

Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi dê, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề chăn nuôi dê

Hướng tới quy mô công nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nguồn thức ăn chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh rất đa dạng gồm cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây, phế phẩm nông nghiệp… Dê là loài động vật thường ăn những loại thức ăn sạch. Do đó, thịt dê rất bảo đảm an toàn, được nhiều người dân ưa chuộng, nên đầu ra cho mặt hàng này khá rộng mở. Dê cũng là loại động vật dễ nuôi, thức ăn đa dạng, ít dịch bệnh. Vòng đời phát triển của dê tương đối ngắn, trong khoảng thời gian 5-6 tháng là có thể xuất bán thịt.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 35.000 con dê. Trong thời gian tới số lượng có thể tăng lên nhiều vì hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh đều có thể phát triển chăn nuôi dê một cách thuận lợi. Mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh phấn đấu phát triển đàn dê lên đến khoảng 100.000 con. Trong đó, khoảng 70% đàn dê được nuôi trong các trang trại.

Việc phát triển chăn nuôi dê sẽ được định hướng theo hình thức bán công nghiệp, kết hợp chăn thả có kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ngoài thị trường trong nước, ngành chăn nuôi dê còn hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường cho lĩnh vực chăn nuôi dê.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tiem-nang-de-phat-trien-chan-nuoi-de-85905.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tiem-nang-de-phat-trien-chan-nuoi-de-85905.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tiềm năng để phát triển chăn nuôi dê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO