Hai cụm gian hàng Việt Nam hiện diện tại vị trí trung tâm trong khu vực Hall 8 – thuộc chủ đề Unique&Eclectic của triển lãm, thể hiện sự giao thoa các nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, quy tụ các nhà trưng bày truyền cảm hứng và các sản phẩm tinh xảo, độc đáo, mang đậm màu sắc dân tộc. |
Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Villepinte thuộc ngoại ô phía bắc Paris. Có 31 doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, mây, cói, gỗ, gốm sứ, thêu thùa, hoa giấy...
Ở cụm gian hàng do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức trên diện tích 160m2, có sự hiện diện của 23 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nội thất và thủ công mỹ nghệ.
Ở bên cạnh là các gian hàng của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam với sự tham gia của 10 doanh nghiệp theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công thương chủ trì.
|
Theo bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh, Trưởng bộ phận phụ trách các triển lãm hội chợ quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFI), thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp thế giới trong lĩnh vực thiết kế nội thất trang trí gặp không ít khó khăn.
Cùng với đó, phong cách sống của người dân cũng đã có sự thay đổi sau dịch Covid-19. Do đó, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc thích ứng với sản xuất sản phẩm của mình để phù hợp với tính ứng dụng của sản phẩm.
Tới thăm các gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam, bà Fleur Vanbésien, Giám đốc kinh doanh của triển lãm nhận xét: Sự kiện này quy tụ hơn 2.500 gian hàng tới từ gần 60 quốc gia khác nhau và là một cơ hội rất tốt để quảng bá sản phẩm tới các nhà phân phối và khách hàng tiềm năng.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các hoạt động giới thiệu xúc tiến bị ảnh hưởng. Tôi rất vui mừng khi được nhìn thấy sự trở lại rất ấn tượng của các gian hàng Việt Nam. Tại đây, chúng tôi tìm kiếm những nhà cung ứng chất lượng cao cho thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Bà Fleur Vanbésien ghi nhận sự trở lại rất ấn tượng của các gian hàng Việt Nam. |
Ban tổ chức của Maison & Objet mong muốn tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang các thị trường thế giới và khả năng tạo ra thương hiệu. Từ đó, người tiêu dùng thế giới hiểu được sản phẩm của Việt Nam được sản xuất như thế nào, nâng cao cái giá trị của hàng hóa Việt Nam.
Theo bà Fleur Vanbésien, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những thế mạnh của Việt Nam. Tại triển lãm này, có sự đổi mới sáng tạo rõ rệt trong thiết kế của các nhà sản xuất Việt Nam, phù hợp với thị hiếu hiện đại của các thị trường khó tính.
Maison & Objet Paris là triển lãm danh tiếng hàng đầu thế giới về phong cách sống, thiết kế nội thất và các vật dụng trang trí nhà ở cũng như các phụ kiện thời trang, tinh dầu, hương liệu...
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1995, triển lãm diễn ra hai lần trong năm, vào tháng 1 và tháng 9. Triển lãm luôn nhận được sự đón nhận và đánh giá cao của giới chuyên môn trong ngành kiến trúc, thiết kế nội thất, vật dụng gia đình và nhà ở.
Với tổng diện tích gần 80,000m2, kỳ triển lãm tháng 9/2023 thu hút gần 2,500 nhà trưng bày tới giới thiệu sản phẩm, trong đó hơn 55% là các đơn vị quốc tế. Kỳ triển lãm tiếp theo sẽ diễn ra các ngày 18-22/1/2024.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Sự có mặt của các sản phẩm của Việt Nam tại hội chợ lần này đã thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng nội thất Việt Nam. Không gian trưng bày Việt Nam cho thấy không chỉ có các sản phẩm hiện đại, mà có rất nhiều nội hàm và giá trị truyền thống cũng như bản sắc và hình ảnh Việt Nam đã được các nghệ nhân đưa vào các sản phẩm.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn sẵn sàng làm cầu nối để mở rộng hơn nữa hoạt động quảng bá, thúc đẩy mở rộng thị trường đối với các sản phẩm lĩnh vực thiết kế, trang trí và nội thất của Việt Nam. |
Đại sứ Đinh Toàn Thắng mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy những hoạt động như thế này để giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam với các nhà phân phối và tiêu dùng tại Pháp, châu Âu và trên thế giới, qua đó thể hiện sự vươn lên của kinh tế cũng như là của các ngành và các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam.
Tại triển lãm lần này có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông Angelo Moras, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất đồ gỗ Curvetta ở tỉnh Bình Phước, cho biết: "Tôi là nhà đầu tư tại Việt Nam và đã thành lập doanh nghiệp được 15 năm. Chúng tôi xuất khẩu các mặt hàng thủ công làm từ gỗ tới các thị trường trên khắp thế giới. Ban đầu, chúng tôi tiếp cận các khách hàng khó tính tại thị trường Nhật Bản, sau đó mở rộng cơ hội kinh doanh ra các quốc gia khác như Hàn Quốc, Australie và châu Âu".
Ông Angelo Moras nhận định: Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. |
Thị trường châu Âu nói chung và thị trường Pháp là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam trong công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Năm qua, châu Âu đã nhập khẩu hơn 1,1 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ đến với hơn 60 triệu khách Pháp nói riêng và 750 triệu khách hàng châu Âu nói chung. Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã đến với 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Lê Bá Ngọc cho biết: "Tại thị trường Pháp, chúng tôi có những tiêu chí riêng, lựa chọn các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Mây tre đan, thêu dệt Việt Nam là những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Tiêu chí thứ hai mà chúng tôi lựa chọn các gian hàng lần này là các doanh nghiệp phải trong tâm thế sẵn sàng, có kinh nghiệm nắm bắt tâm lý khách hàng và có năng lực xuất khẩu".
Ông Lê Bá Ngọc cho biết: Vietcraft có 900 doanh nghiệp thành viên nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp xuất sắc được lựa chọn giới thiệu tại triển lãm lần này. |
Thông qua triển lãm này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khảo sát thị trường, nắm bắt văn hóa, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của người dân Pháp và của cả thế giới trong lĩnh vực nội thất, nhà ở.
Từ đó đưa ra chiến lược hợp lý để đẩy mạnh khai thác thị trường của ngành nội thất và vật dụng nhà ở, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên trường quốc tế và có định hướng phát triển dài lâu, bền vững phù hợp với xu thế của thế giới.
Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, các gian hàng Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân phối tại châu Âu và trên thế giới. |
Đây cũng là cơ hội tốt để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trong năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của hai nước gặp gỡ trao đổi và tìm hiểu nhu cầu, từ đó phát triển giao thương giữa các đối tác.