Y tế - Sức khỏe

Tiềm ẩn nguy hại từ trào lưu sinh con "thuận tự nhiên"

Ngô Đồng 09/07/2024 07:10

Khi người mẹ sinh con "thuận tự nhiên" không có đội ngũ y tế xử trí kịp thời, tai biến sản khoa có nguy cơ băng huyết nặng, trẻ dễ bị suy hô hấp, nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.

Phản khoa học

Theo bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Huyền, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết: Thời gian gần đây, đang lan tràn trên mạng trào lưu kêu gọi “sinh con tự nhiên”. Mục đích của cuộc sinh nở theo quan điểm này là để gắn bó mẹ con. Họ cảm thấy rằng việc có thai là tự nhiên, sinh cũng là tự nhiên và sự chào đời của em bé cũng rất là tự nhiên. Thậm chí có những cá nhân, hội nhóm trên facebook, zalo có những bài viết, đưa thông tin những ca sinh con tự nhiên không ảnh hưởng gì càng khiến việc này bị lợi dụng, cổ súy nhiều hơn.

3333.jpg
Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về sinh con "thuận tự nhiên"

Việc sinh nở tự nhiên phải hiểu là hướng thai phụ chuyển dạ tự nhiên, sinh con qua ngả âm đạo (không lạm dụng sinh mổ). Nếu không sinh được thì phải có những can thiệp y khoa, mổ lấy thai. Sinh tự nhiên không có nghĩa là để mặc cho người mẹ sinh một cách không được kiểm soát như cổ súy trên internet, các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook... hiện nay.

1111.jpg
Nhiều nhóm trên facebook kêu gọi về sinh "thuận tự nhiên"

Bác sĩ Huyền nhấn mạnh: "Một thai phụ từ khi mang thai cần phải đến bệnh viện và các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi sức khỏe cả mẹ và thai nhi theo định kỳ. Từ đó, bác sĩ có hướng điều trị, xử lý thích hợp nếu mẹ hoặc thai nhi có vấn đề. Việc chăm sóc bà mẹ sẽ giúp chuẩn bị trước khi sinh để đưa ra khuyến cáo cho thai phụ nên sinh mổ hay để chuyển dạ tự nhiên mà chủ động… Chứ không phải tự nhiên theo kiểu phản khoa học đang được chia sẻ trên internet, các nền tảng mạng xã hội như để bà mẹ sinh con tại nhà; thay vì cắt dây rốn vài phút sau đó thì vẫn để bánh nhau dính với đứa bé, giữ bánh nhau cho đến khi phân hủy và dây rốn tự nhiên rời khỏi cơ thể đứa bé khoảng từ 3 đến 10 ngày, thậm chí lâu hơn... Những điều này gây nguy hiểm tới trẻ sơ sinh.

Nguy hiểm cho mẹ và bé

Khoa học đã chứng minh, sinh con tiềm ẩn các nguy cơ không báo trước như băng huyết, đờ tử cung, thuyên tắc mạch ối, nhau thai không bong, nhiễm trùng... Nếu không được đội ngũ y tế có chuyên môn hỗ trợ xử trí kịp thời, sức khỏe mẹ và con đều bị ảnh hưởng. Không những vậy, những thai phụ mắc bệnh nền như bệnh tim mạch, huyết áp... khi chuyển dạ dễ tăng áp lực dòng máu của mẹ và dễ xảy ra tai biến. Nhiều trường hợp ban đầu xác định sinh thường nhưng có trục trặc cần phải chuyển sinh mổ cấp cứu kịp thời.

Không những vậy, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, nếu sản phụ sinh con tại nhà, không thăm khám thai trước đó sẽ không biết tình trạng thai nhi có bị dây rốn quấn cổ, thai to, ngôi ngược... hay không. Điều này dẫn tới sinh nở khó khăn, dẫn đến suy thai. Một số trường hợp em bé có thể mất trong bụng mẹ hoặc tử vong khi chào đời. Trường hợp mẹ bị rau tiền đạo khi vỡ ối hay rách màng ối thường gây mất máu cấp, nếu không được cầm máu khẩn cấp, bù máu dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ và thai.

“Nếu không khám trước sinh, bất tương xứng giữa đầu thai nhi và khung chậu người mẹ khiến thai bị mắc kẹt khi sinh. Không có trợ giúp y tế thai bị ngạt, mẹ có thể mất máu nặng và suy thai cấp. Trường hợp ngôi ngang, ngôi ngược không thể sinh đường âm đạo. Lúc này không có bác sĩ đỡ đẻ sẽ gây nguy hiểm cho mẹ và con”, bác sĩ CKI Lê Thị Trúc Anh, Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh.

Bác sĩ Trúc Anh cho biết thêm, khi sinh con "thuận tự nhiên", một số sản phụ không cắt dây rốn hay loại bỏ nhau thai mà chờ dây rốn tự rụng. Thực tế khi em bé ra ngoài tử cung, nhau thai không còn khả năng cung cấp dưỡng chất, nhau thai và dây rốn là tế bào chết dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh gây nhiễm trùng máu...

Cần tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế

Một ca sinh mổ thành công tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R
Một ca sinh mổ thành công tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như việc chăm sóc “da kề da” sau khi sinh là người mẹ để ngực trần và chậm cắt dây rốn đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo và Bộ Y tế Việt Nam chủ trương áp dụng vì những lợi ích mà chậm kẹp cắt dây rốn mang lại cho bé. Các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học lớn và có giá trị. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên, dẫn đến những nguy cơ sức khỏe lớn trong khi lợi ích của nó vẫn chưa được chứng minh.

Thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu: khám ít nhất 1 lần; lần thứ 2 vào 3 tháng giữa: khám ít nhất 1 lần (lúc 20 - 24 tuần); 2 lần tiếp theo vào 3 tháng cuối: khám ít nhất 2 lần. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như: đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt.

Bộ Y tế

Bà H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khi mang thai nếu thai phụ không đi khám thai định kỳ sẽ không theo dõi được sức khỏe của mình, không phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý sẵn có hoặc bệnh lý liên quan đến thời kỳ thai sản như: tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ; bỏ qua cơ hội được đánh giá sự phát triển của thai nhi; không theo dõi được sự phát triển của thai có phù hợp hay không; bỏ qua việc tầm soát và phát hiện các dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể; không được điều trị dự phòng những bệnh lây truyền từ mẹ sang con… Điều đó sẽ để lại hậu quả không tốt cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Nặng nề nhất là gia tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ cũng như tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, cần tuân thủ theo khuyến cáo của ngành Y tế”.

Mẹ và bé được
Mẹ và bé được "da kề da" ngay sau sinh

Theo quy định của Bộ Y tế, trong các lần khám thai, thai phụ được kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), giang mai, nước tiểu, siêu âm,...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyết áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Khi khám thai, người mẹ còn được thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi và những bệnh lý liên quan thai kỳ.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiềm ẩn nguy hại từ trào lưu sinh con "thuận tự nhiên"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO