Đa dạng hình thức tích tụ đất đai
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện phát triển mạnh hoạt động tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất.
Mô hình trồng cam xen canh cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã viên HTX Nông nghiệp dược liệu Thịnh Phát, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) |
HTX Nông nghiệp dược liệu Thịnh Phát, xã Quảng Sơn được thành lập năm 2019. Đến nay, đơn vị đã thu hút được 201 thành viên tham gia sản xuất hơn 600 ha, với các loại cây trồng như: Tiêu, cà phê, dược liệu, cây ăn trái…
Thông qua HTX, người dân được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết, các thành viên tham gia HTX cùng nhau góp đất đai, vốn liếng để tổ chức sản xuất nông nghiệp. HTX thực hiện vai trò cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm do các thành viên sản xuất ra.
Cách làm của HTX là một trong 3 hình thức tích tụ đất đai chủ yếu đang được triển khai hiệu quả tại Đắk Glong. Với hình thức này, các hộ dân tự nguyện góp đất, vốn thành lập HTX để sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn đang có 10 HTX và 58 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó 6 trang trại tổng hợp, 35 trang trại trồng trọt và 17 trang trại chăn nuôi.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trang trại thiên nhiên Organic Farm ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) |
Tương tự, hình thức tích tụ đất đai thông qua giao, thuê, mua, mượn, thừa kế, cho tặng đất đai để phát triển kinh tế trang trại có quy mô từ nhỏ đến lớn cũng đang phát triển tại địa phương. Ở hình thức này, các gia đình, cá nhân trên địa bàn đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài để sản xuất kinh doanh.
Hiệu quả kinh tế của hình thức này tương đối cao do các nông dân sản xuất giỏi chủ động tích tụ đất, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất…
Ngoài ra, hình thức tích tụ đất đai thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản đang được đánh giá là hiệu quả nhất tại địa phương. Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu của chuỗi giá trị hàng nông sản...
Thúc đẩy các mối liên kết
Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong, mục đích tích tụ đất đai tại địa phương trong thời gian qua chủ yếu để triển khai các mô hình trồng cây ăn trái, cây hồ tiêu và trang trại chăn nuôi.
Nhiều hộ dân xã Quảng Khê hợp tác cùng sản xuất cây măng tây trên quy mô lớn (Ảnh chụp trước 27/4/2021) |
Thời gian qua, việc hình thành các HTX, trang trại tập trung đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hóa cao. Nhiều mô hình trang trại ra đời có tính thâm canh cao gắn với chế biến, thương mại và dịch vụ đã tạo ra lượng hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Để có thể thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai được địa phương xem là giải pháp chủ yếu trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, theo ông Tịnh, trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng tích tụ đất đai liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở rà soát, đối chiếu với quy hoạch nông thôn mới, địa phương thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.
Huyện đang tích cực tìm kiếm thúc đẩy các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên cơ sở bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả và bền vững. Đi liền với đó, địa phương đề xuất sớm xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê đất đai. Từ đó, tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán, thuê mượn thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp.
“Đặc biệt, nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ đất đai sẽ tiếp tục được địa phương thực hiện như: Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Từ đó góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng hàng hóa hiện đại, quy mô lớn, gắn với thị trường”- ông Tịnh cho biết thêm.
Đến nay, toàn huyện có hơn 17.400 ha cây cà phê, hơn 1.870 ha hồ tiêu, hơn 2.000 ha cây ăn quả và 8 trang trại chăn nuôi heo tập trung. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, Đắk Glong sẽ xây dựng 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Sơn và xã Đắk Ha, với quy mô khoảng 600 ha. |