Theo Sở LĐTBXH, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn lao động mất việc làm. Trong đó, nhiều thị trường nước ngoài chưa mở cửa tiếp nhận lao động trở lại, nên nhiều người chưa xuất cảnh được hoặc mất việc làm.
Trước thực tế đó, ngành Lao động và chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực để giải quyết việc làm cho người dân. Trước hết, các cấp, các ngành đã chú trọng hỗ trợ nguồn vốn, giới thiệu việc làm, từ đó giúp nhiều người tìm được sinh kế, có việc làm.
Sở LĐTBXH tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động huyện Cư Jút vào tháng 4/2022 |
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, qua nguồn vốn hỗ trợ cho vay tạo việc làm (thuộc Quỹ quốc gia về việc làm) đã xét duyệt cho vay đối với 150 lao động, với số tiền 5,6 tỷ đồng.
Ngành Lao động cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm. Nhiều ngân hàng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động....
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Nông đã tư vấn về chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho trên 720 lượt người.
Theo Sở LĐTBXH, quý I/2022, toàn tỉnh có trên 5.280 lượt lao động được tạo việc làm, đạt trên 29% so với kế hoạch năm, vượt 141% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh có 700 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền được hưởng là hơn 8,6 tỷ đồng. |
Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, người lao động của cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng, bị tạm dừng công việc rất nhiều.
Trong đó, lao động của Đắk Nông làm việc tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... trở về địa phương với số lượng lớn.
Trước tình hình đó, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh nắm bắt số lượng lao động trở về địa phương. Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm khảo sát, điều tra số lao động và nắm bắt nhu cầu việc làm.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tổng cộng khoảng 30.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ các tỉnh quay trở về Đắk Nông. Trong đó, có khoảng 16.000 người có nhu cầu quay về nơi làm việc cũ, số lao động còn lại (khoảng 14.000 người) ở lại tỉnh nhà tìm làm việc mới.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) |
Cũng theo ông Nam, Sở LĐTBXH đã liên hệ với các tỉnh, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ người lao động tìm công việc. Đơn vị đã khảo sát trình độ người lao động, từ đó có hướng đào tạo nghề phù hợp nhằm cung ứng cho thị trường.
Phần lớn lao động của Đắk Nông là lao động phổ thông, chưa có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao. Do đó, hiện nay, Sở LĐTBXH đang phối hợp với các địa phương, đơn vị để đào tạo nghề, kỹ thuật cho người lao động.
Từ đó, khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, thị trường lao động trong tỉnh sẽ đáp ứng được. Cụ thể, Sở LĐTBXH đang phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tuyển sinh, đào tạo một số ngành nghề như: cơ khí, sửa chữa ô tô, may mặc, điện tử, vận hành máy công nghiệp...
"Sắp tới, khi tỉnh thu hút được các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, chúng ta đã có nguồn lao động tại chỗ bảo đảm chất lượng để cung ứng cho họ", ông Nam chia sẻ.
Theo Sở LĐTBXH, ngoài đẩy mạnh đào tạo nghề, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thị trường lao động trong nước và xuất khẩu.
Các hoạt động này đang giúp người lao động tiếp cận thông tin, định hướng được nghề nghiệp và tìm việc làm hiệu quả.