Kinh tế

Thủy lợi - “Chân đế” cho nông nghiệp thời kỳ mới

Hồng Thoan 29/07/2023 06:13

Hạ tầng thủy lợi giữ vai trò "xương sống" trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Đắk Nông đã quan tâm đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp ngày càng an toàn, hiệu quả

Mạch nguồn cho sản xuất

Công trình thủy lợi Đắk Sắk, xã Đức Minh (Đắk Mil) là một điển hình về phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Công trình đáp ứng nhu cầu nước tưới cho hơn 2.000 ha cà phê, hồ tiêu, lúa nước...

Những năm qua, vào các thời kỳ cao điểm của mùa khô hạn, công trình này còn điều tiết nước về suối Đắk Sôr để phục vụ tưới cho cây trồng ở các xã Long Sơn (Đắk Mil), Nam Xuân, Đắk Sôr (Krông Nô).

dsc_0579(1).jpg
Cồng trình thủy lợi Đắk Sắk góp phần chống biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Mil

Theo lãnh đạo UBND xã Đức Minh, nhiều năm qua, công trình đã cung ứng nước tưới đầy đủ cho hàng ngàn ha cây trồng của người dân trong xã. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, nhất là đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ ở các thôn, bon.

Theo ông Ngô Xuân Thinh, thôn Đức Đoài, xã Đức Minh, gia đình có 1 ha đất. Trước đây, khi chưa có công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp của gia đình phụ thuộc vào thời tiết.

Mưa nhiều thì có điệu kiện xuống giống. Còn nếu nắng hạn thì cây trồng mất mùa, giảm năng suất. Thế nhưng, từ khi có công trình thủy lợi Đắk Sắk, gia đình ông chuyển qua trồng cà phê và năng suất vườn cây ổn định từ 3 tấn/vụ trở lên.

"Đúng như ông cha ta thường nói, “nhất nước nhì phân”. Có nước tưới ổn định, nhà nông sản xuất gì cũng thuận lợi”, ông Thinh vui mừng cho biết.

Còn công trình thủy lợi Đắk Rồ (Krông Nô), với dung tích hồ chứa cao bậc nhất tỉnh, khoảng 13 triệu m3 nước. Nhiều năm nay, công trình đã góp phần lớn vào bảo đảm an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Cụ thể, công trình đã cấp nước đầy đủ cho trên 7.000 ha cây trồng gồm lúa, cà phê, hồ tiêu, bắp, cây ăn quả... của người dân các địa bàn Đắk Drô, Nam Đà và thị trấn Đắk Mâm.

5-2-.jpg
Công trình thủy lợi Đắk Rồ cấp nước đầy đủ cho trên 7.000 ha cây trồng

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, thủy lợi có vai trò hàng đầu đối với sản xuất nông nghiệp huyện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc bảo đảm nguồn nước sẽ giúp người dân địa phương mạnh dạn đầu tư giống, kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Theo thống kê, trong năm 2022, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đạt trên 15.045 tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 1.727 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 5,21%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới nước đạt 82%, đạt 100% kế hoạch.

Nhiều chủ trương phát triển thủy lợi

Những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển thủy lợi. Trong đó, ngành Nông nghiệp tập trung phát triển hệ thống hạ tầng lợi tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Tỉnh cũng ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ phát triển loại hình thủy lợi nhỏ do doanh nghiệp, HTX, người dân tự đầu tư. Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi sẵn có cũng được ưu tiên. Nhờ các chiến lược này, hạ tầng thủy lợi của Đắk Nông ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 70 công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa, với tổng số vốn đầu tư khoảng 741 tỷ đồng. Đắk Nông có 54 công trình thủy lợi xây dựng mới, với tổng vốn khoảng 1.748 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, Công ty hiện quản lý 252 công trình thủy lợi, trong đó 209 hồ chứa, 25 đập dâng, 9 hệ thống trạm bơm, 7 hệ thống kênh tiêu úng và 2 công trình phục vụ tưới chuyển nước, phai chắn nước.

Những năm qua, Công ty đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất. Cụ thể, Công ty thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình, máy móc; lập các phương án, kế hoạch cung ứng nước phòng, chống thiên tai.

dsc_0606(1).jpg
Công nhân Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh thường xuyên bảo dưỡng công trình

Các chi nhánh chủ động phối hợp với người dân các địa phương đắp các đập tạm tại các dòng suối, nâng cao ngưỡng tràn tại các hồ chứa, vận hành, điều tiết phù hợp với lịch thời vụ. Điều tiết, trung chuyển nước từ vùng này sang vùng khác phục vụ nhu cầu sản xuất.

Mục tiêu đáp ứng 85% diện tích sản xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trong Yên cho biết, Đắk Nông tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ để phát triển ao hồ chứa nước nhỏ, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh.

Về nguồn vốn đầu tư thủy lợi, tỉnh kết hợp các nguồn vốn như nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn vay ODA. Tỉnh hướng đến mục tiêu đáp ứng nguồn nước cho 85% cây trồng có nhu cầu tưới vào năm 2025.

101305sequence-109.still003(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên

Tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi cho những vùng khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng sản xuất chuyên canh, cây chủ lực, sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Trọng Yên, Đắk Nông rà soát, tích hợp danh mục các công trình thủy lợi ưu tiên đầu tư vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành. Hàng năm, tỉnh lập kế hoạch, đề xuất kinh phí đầu tư cho các công trình thủy lợi một cách cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh khuyến khích các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm tăng độ che phủ rừng để bảo vệ hạ tầng thủy lợi, tăng dự trữ nước. Cụ thể như trồng rừng đầu nguồn, quản lý phát triển rừng bền vững, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp.

Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt nâng cao nhận thức sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Đến năm 2030, Đắk Nông có 63 công trình, cụm công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng vốn 861 tỷ đồng. Diện tích đủ nước tưới tăng lên sau khi hoàn thành các công trình là 15.100 ha. Tỉnh có 51 công trình được xây dựng mới, với tổng vốn 2.842 tỷ đồng, diện tích nước tưới tăng lên sau xây dựng gần 14.900 ha.

Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên của Bộ NN- PTNT

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thủy lợi - “Chân đế” cho nông nghiệp thời kỳ mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO