Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật căn cước công dân

Nguồn SGGP| 13/03/2014 09:08

Ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Chiều cùng ngày, một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) cũng đã được cơ quan thường trực của Quốc hội đưa ra thảo luận. Cuối buổi chiều, UBTVQH họp riêng, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Nhiều sửa đổi trong việc cấp chứng minh nhân dân

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam thừa ủy quyền Chính phủ đã trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân. Theo đó, tới đây sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) cho công dân. Cụ thể, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Trường hợp đổi, cấp lại CMND, số CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp lần đầu. Thời hạn sử dụng của CMND cũng có thay đổi.

Dự thảo luật quy định thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên không xác định thời hạn.

Đáng chú ý là dự thảo luật không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Trên CMND sẽ có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về người được cấp để làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên CMND theo hướng thẻ công dân điện tử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tán thành quan điểm tiến tới bỏ công cụ quản lý bằng hộ khẩu và gợi ý CMND cần áp dụng công nghệ tiên tiến; thống nhất với dự kiến cấp căn cước cho người chịu án phạt tù, người tâm thần… để đảm bảo quyền con người cho các đối tượng này.

Nhận xét rằng Luật Căn cước công dân có liên quan đến rất nhiều luật khác, thậm chí “đụng chạm” đến các quyền hiến định của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, kết hợp hài hòa yêu cầu quản lý dân cư với việc đảm bảo quyền riêng tư, bí mật gia đình... cho công dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo luật bổ sung vào các hành vi bị cấm, nội dung “cấm tiết lộ bí mật đời sống riêng tư hợp pháp” của công dân; nêu rõ cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu cung cấp những thông tin loại này. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Hiện có nhiều luật đều quy định về cơ sở dữ liệu dân cư, nếu cứ riêng biệt tiến hành thì vừa trùng lặp, tốn kém kinh phí; vừa có khả năng thông tin không thống nhất. Tôi đề nghị chỉ làm một bộ cơ sở dữ liệu để dùng chung. Các ngành đều trích xuất từ đó ra, cần bổ sung gì để phục vụ công tác quản lý của ngành mình thì chỉ điều tra thêm nội dung ấy”.

Đảm bảo công chứng viên đủ năng lực hành nghề

Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong phiên họp chiều 12/3, nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ quan tâm đến tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên đối với những người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ người đang làm việc tại các phòng công chứng), sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, bị tước quân tịch, bị đưa ra khỏi ngành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nên quy định tuổi tối đa. Bởi có 2/3 số nước thành viên Liên minh Công chứng quốc tế quy định độ tuổi tối đa của công chứng viên và trong số các nước còn lại, nhiều hiệp hội công chứng cũng quy định khống chế độ tuổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành quan điểm này, theo đó quy định độ tuổi tối đa của công chứng viên là 65 tuổi. Đồng ý với việc xã hội hóa tổ chức hành nghề công chứng, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, để đảm bảo năng lực hoạt động thật sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật căn cước công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO