Chính trị

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và tầm nhìn 'bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa'

Viết Tuân 15/09/2023 09:49

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nỗ lực thúc đẩy Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Ngày 14/9, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời tại nhà riêng sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 64 tuổi. Trong hơn 40 năm quân ngũ, ông đã để lại dấu ấn sâu sắc ở lĩnh vực phụ trách, gồm tình báo quân đội và đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Từ những bước chân tìm hiểu trên thực địa ở châu Phi năm 2013 của ông, ngày nay, hàng trăm chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã trở thành sứ giả hòa bình, tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các Phái bộ Gìn giữ hòa bình ở châu Phi (Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei).

"Tướng Vịnh là chiến lược gia về quốc phòng và bảo vệ đất nước thời đại mới. Ông cũng là nhà ngoại giao xuất sắc khi thực hiện đường lối đối ngoại quốc phòng giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng", thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Giang Huy

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Giang Huy

Gắn bó với công tác gìn giữ hòa bình từ những ngày đầu, tướng Phụng kể, từ khi làm Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng, ông Vịnh đã ra chủ trương nghiên cứu hội nhập với các tổ chức quốc tế, nhất là Liên Hợp Quốc. Các đơn vị được giao tìm hiểu về lĩnh vực mới - gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, để Việt Nam chủ động tham gia.

Ông cho rằng, việc cử sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là cách lo cho tương lai dân tộc, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa trước những nguy cơ xung đột, chiến tranh. Việt Nam cùng Liên Hợp Quốc chung tay hỗ trợ các dân tộc khác, khi không may gặp tình huống khó khăn sẽ có sự ủng hộ, chia sẻ của bạn bè quốc tế và Liên Hợp Quốc - tổ chức lớn nhất hành tinh.

Cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình cũng là cách đền ơn các dân tộc châu Phi đã hỗ trợ vật chất và tinh thần cho Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Hành động này chứng tỏ với thế giới rằng con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình có phải là đi với nhóm này chống nhóm khác, hay cử quân đến những đất nước còn chiến sự thì đảm bảo an toàn thế nào? Tướng Vịnh lý giải rằng "chúng ta không đưa quân đi đánh thuê, không đưa cán bộ, chiến sĩ vào những nơi có chiến tranh, mà quân nhân Việt Nam chỉ tham gia vào hoạt động củng cố hòa bình và tái thiết những nước nghèo. Đây là sứ mệnh rất cao cả, thể hiện chủ trương của Đảng là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế".

Sau khi thuyết phục được các cơ quan, tướng Vịnh muốn cử một số quân nhân đi làm nhiệm vụ quan sát viên, sĩ quan tham mưu, để thấy được toàn cục của lực lượng gìn giữ hòa bình, nắm bắt thông tin, thu thập kinh nghiệm để Việt Nam triển khai quân trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cử Bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan, ngày 1/10/2018. Ảnh: Thành Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên tới Nam Sudan, ngày 1/10/2018. Ảnh: Thành Nguyễn

Khẳng định tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là hoạt động tác chiến đặc biệt, tướng Vịnh yêu cầu cơ quan chức năng lựa chọn cán bộ, quân nhân phẩm chất tốt, có năng lực quân sự, sức khỏe, ngoại ngữ, văn hóa, thực hiện nhiệm vụ. Ông cũng chỉ đạo cử người đến Australia, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... để học tập về gìn giữ hòa bình. Nhiều chuyên gia quốc tế được mời đến Việt Nam dạy các học viên.

Trước khi cử những quân nhân đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tướng Vịnh đã nhiều lần dẫn đầu đoàn công tác sang thăm các Phái bộ của Liên Hợp Quốc để nắm tình hình thực tiễn. Sau chuyến công tác giữa năm 2013 đến phái bộ Nam Sudan, ông chỉ đạo các đơn vị gấp rút chuẩn bị ra mắt Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức ra mắt Trung tâm và tiễn hai quân nhân Việt Nam đầu tiên lên đường đến phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan nhận nhiệm vụ quan sát viên quân sự. Sau những bước chân đầu tiên thắng lợi, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, 9 năm qua, Việt Nam để lại dấu ấn lớn trong hoạt động gìn giữ hòa bình ở phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei, trụ sở Liên Hợp Quốc, Phái bộ huấn luyện Liên minh châu Âu. "Những thành quả này có vai trò to lớn của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ những ngày đầu", ông Phụng nói.

Chia sẻ với VnExpress tháng 3/2021, tướng Vịnh mong muốn sẽ mở rộng địa bàn tham gia gìn giữ hòa bình "để màu cờ Việt Nam phủ rộng hơn trên bản đồ thế giới". "Trong tương lai, tôi muốn hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, là một nội dung, mặt công tác thường xuyên của Quân đội chứ không còn là đặc biệt. Những người đi làm nhiệm vụ không cần phải làm lễ xuất quân nữa mà sẽ là chuyến công tác nơi xa, như đi công tác ở biên giới, hải đảo", ông nói.

Tướng Vịnh cũng muốn Việt Nam sớm thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương, là nơi huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các lực lượng như công binh, quân y, ngoại ngữ, pháp luật, phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Các nữ sĩ quan thuộc Đội công binh số 2 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei, châu Phi, ngày 8/8/2023. Ảnh:Giang Huy

Các nữ sĩ quan thuộc Đội công binh số 2 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei, châu Phi, ngày 8/8/2023. Ảnh: Giang Huy

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) cho biết rất hụt hẫng khi "trái tim máu lửa, quyết liệt của anh Năm Vịnh đã ngưng đập". Ông nhớ 9 năm trước, trong chuyến công tác phía Nam, tướng Vịnh nhắn ông qua ăn cơm và ngỏ ý muốn Bệnh viện Quân y 175 lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Lúc đó, trong đầu ông Sơn là hàng loạt thắc mắc: "Sao Thủ trưởng lại giao nhiệm vụ này cho Bệnh viện Quân y 175? Mình chưa hiểu biết về công tác gìn giữ hòa bình nên không có cơ sở để trả lời. Bệnh viện lúc này đang bộn bề nhiệm vụ, mà không nhận thì thôi, đã nhận mà không hoàn thành nhiệm vụ thì rất dở...".

Thấy ông Sơn băn khoăn, tướng Vịnh nói "không cần trả lời ngay, cứ về bàn với Thường vụ, Đảng ủy, Ban giám đốc rồi báo lại". Tuy nhiên xong bữa cơm, ông Sơn nhận lời "lĩnh ấn tiên phong", cử Bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Nam Sudan. "Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã siết tay rất chặt, truyền quyết tâm cao hơn cho tôi", ông Sơn kể.

Sau thời gian dài chuẩn bị, tháng 10/2018, tại TP HCM, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã xuất quân, lên đường làm nhiệm vụ. Trước khi lên máy bay, tướng Vịnh dặn dò cán bộ, nhân viên Bệnh viện phát huy tinh thần lương y như từ mẫu, hết lòng cứu chữa bệnh nhân tại các vùng chiến sự, trở thành sứ giả hòa bình của Việt Nam.

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Atul Khare (áo đen) trao đổi với Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Công binh Việt Nam khi đến thăm nơi đóng quân của Đội tại Abyei. Ảnh: Đội Công binh số 1

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Atul Khare (áo đen) trao đổi với Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Công binh Việt Nam khi đến thăm nơi đóng quân của Đội tại Abyei. Ảnh: Đội Công binh số 1

Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết mới đây khi kết thúc nhiệm kỳ Đội trưởng Công binh số 1 ở Abyei trở về đã đến thăm tướng Vịnh. Lúc này ông yếu, nằm trên giường bệnh. Dù vậy, ông vẫn yêu cầu anh lấy sổ, bút ra ghi chép những công việc ông muốn anh thực hiện thời gian tới. Đó là tham gia viết hai cuốn sách về lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

"Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là thủ trưởng, người thầy, đàn anh mà tôi vô cùng kính trọng. Anh là một nhà tình báo, đối ngoại quốc phòng xuất sắc. Anh làm việc liên tục không mệt mỏi và làm việc cho đến ngày cuối cùng", đại tá Mạc Đức Trọng (một trong hai sĩ quan đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc) nói.

Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã cử 533 lượt cán bộ, sĩ quan quân đội và 4 sĩ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các Phái bộ. Trong đó, 4 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan với 252 cán bộ, nhân viên y tế; Đội công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên đến Abyei và 100 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân đến nhiều địa bàn. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này của Việt Nam đạt 16,6%, cao hơn so với các quốc gia khác.

Theo vnexpress.net
https://vnexpress.net/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-va-tam-nhin-bao-ve-dat-nuoc-tu-som-tu-xa-4653267.html
Copy Link
https://vnexpress.net/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-va-tam-nhin-bao-ve-dat-nuoc-tu-som-tu-xa-4653267.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và tầm nhìn 'bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa'
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO