Thượng tướng Lương Tam Quang làm Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia
Chiều 08/9, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ I (2023-2028) của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đã biểu quyết dân chủ bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhiệm kỳ I (2023 – 2028). Theo đó, Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ I gồm 28 đồng chí.
Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.
08 đồng chí được Đại hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội, gồm các đồng chí:
- Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực;
- Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);
- Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel;
- Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn VNPT;
- Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT;
- Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC.
An ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước
Thay mặt Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chúc mừng thành công Đại hội, đã lựa chọn, bầu ra được những đồng chí tiêu biểu tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, tình hình an toàn, an ninh mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, trong bối cảnh cách mạng khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, trong khi sự phát triển trong nước chưa theo kịp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên lĩnh vực an ninh mạng diễn ra gay gắt, quyết liệt hơn, tác động sâu sắc tới tình hình an ninh chính trị toàn cầu, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.
Để giải quyết được những thách thức này, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, chỉ cơ quan nhà nước là chưa đủ, phải có sự chung tay, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Do đó, vấn đề đặt ra là tập trung xây dựng, triển khai nhiệm vụ, giải pháp để an ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực sự trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Và việc giải quyết được các vấn đề về nguy cơ, thách thức từ không gian mạng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy làm chủ, tự chủ được sản phẩm, dịch vụ, công nghệ an ninh mạng.
An ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước.
An ninh mạng giữ vai trò quan trọng như tấm khiên, lá chắn, thanh gươm để bảo vệ sự phát triển bền vững
Để trở thành động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn liền và đồng hành với các mục tiêu chung bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cần nhận diện rõ những đặc trưng cơ bản của thời đại không gian mạng, gồm: công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới trở thành động lực cơ bản.
Tại thời đại không gian mạng, an ninh mạng giữ vai trò quan trọng như tấm khiên, lá chắn, thanh gươm để bảo vệ sự phát triển bền vững. Do đó, cả ba yếu tố về công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực an ninh mạng lại càng có ý nghĩa quyết định.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và các thành viên cần thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng thời gian qua.
Ngoài việc phải đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện công tác thực tiễn, còn phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên các lĩnh vực có liên quan.
Kiến tạo nên nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam
Bên cạnh đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải đề ra sứ mệnh và tầm nhìn phù hợp với thời đại.
“Sứ mệnh” và “tầm nhìn” phù hợp của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia không chỉ là tạo ra lợi nhuận kinh tế, không chỉ là bảo vệ lợi ích của các thành viên, mà phải hướng tới mục tiêu cao cả hơn là trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến tạo nên nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam, hình thành thị trường an ninh mạng có giá trị cao trên bản đồ quốc tế, tạo ra những tập đoàn, công ty có năng lực mạnh về an ninh mạng được thế giới công nhận, chuyển đổi từ việc gia công, đại lý sang làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, một “sứ mệnh” lớn hơn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn, quy tụ nhiều hội viên hơn, đoàn kết hơn, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đi xa hơn, cao hơn.
Qua đó, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ tin tưởng rằng, với phương hướng hoạt động cụ thể, khoa học, Hiệp hội sẽ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I (nhiệm kỳ 2023 – 2028) đã đề ra, có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ an ninh, lợi ích và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Thay mặt Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã trình bày Quyết nghị của Đại hội nhiệm kỳ I.
Theo đó, Chương trình công tác của Hiệp hội nhiệm kỳ I (2023 – 2028) là: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về an ninh mạng.
Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
Rà soát, nghiên cứu, dự thảo và đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng.
Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị về an ninh mạng.
Tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến an ninh mạng; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hiệp hội./.