Thương nhớ Đắk Nông
Với riêng tôi, Đắk Nông – tròn 20 tuổi là tuyệt vời, là niềm thương nhớ mãi không nguôi về những ký ức đẹp của hai mươi năm qua, sẽ thương nhớ mãi.
Có lẽ ai cũng nghĩ rằng, có đi xa nơi đâu đó mới thấy nhớ, thấy thương người, thương quê hương, vùng đất mà mình đã sống. Tôi với Đắk Nông thì khác, dù đã ở đây hơn 40 năm, là nơi nuôi tôi lớn, trưởng thành từ những ngày còn mang tên Đắk Lắk, đến khi chia tách thành lập - Đắk Nông trở nên gắn bó, thân thiết hơn khi được sống, làm việc tại trung tâm của tỉnh, thị trấn, thị xã và hôm nay là thành phố trẻ nhất nước – Gia Nghĩa.
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo ở Quảng Nam, xung quanh chỉ có đồi núi. Mở mắt ra là thấy cây cối um tùm bên hông nhà, nào chuối rừng, nào cây bần quân, nào hoa sim, hoa mua... nào những cây rừng cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu thốn chất dinh dưỡng như mảnh đất của nó vậy. Rời quê hương vào với mảnh đất Tây Nguyên, trong ký ức tuổi thơ tôi những năm 80, 90 thì khung cảnh nơi đây cũng chẳng khác gì ở quê cả. Ban ngày thì rừng rú, đồi núi điệp trùng, tối đến thì ếch nhái, tiếng côn trùng kêu râm ran muốn não ruột. Ôi! Cái thời kỳ rừng chắn trước mặt, thú rừng đứng trước cửa vậy mà đã qua gần bốn mươi năm. Krông Nô ngày ấy mãi mãi sẽ là ký ức đáng nhớ. Ký ức ấy được lưu giữ nhiều hơn khi chúng tôi lớn lên, được đi thác Dray Sáp, Trinh Nữ, Gia Long... Nét hoang sơ ngày ấy của những ngọn thác nổi tiếng đã để lại dấu rất trong lòng du khách: Ngưỡng mộ về vẻ đẹp hoang sơ ở nơi đây, vẻ đẹp của thiếu nữ Tây Nguyên mới lớn gây tò mò và một ấn tượng độc đáo với mỗi du khách. Một niềm tự hào bắt đầu dâng trào và sáng lên một tia hy vọng rằng, tương lai quê mình rồi sẽ đổi thay.
Đến với Đắk Mil vào những năm hai ngàn, một huyện nằm trên trục quốc lộ 14. Cuộc sống của người dân nơi đây có vẻ khá ổn và phát triển hơn so với huyện Krông Nô. Bởi ở đây có được sự thuận lợi về địa lý: Địa thế bằng phẳng, đất đai màu mỡ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cho phát triển cây cà phê, con người Đắk Mil cũng chăm chỉ, cần cù trong lao động, sản xuất. Đắk Mil không được sở hữu những con thác nổi tiếng như Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức nhưng bù lại được sở hữu một hồ rộng mênh mông thuận tiện cho việc thu hút và phát triển du lịch - Hồ Tây Đắk Mil, là địa điểm du lịch không thể thiếu khi đến với Đắk Nông. Ở Đắk Mil, di tích nhà Ngục Đắk Mil, đồi 722- Đắk Sắk… là chứng tích lịch sử hào hùng của tỉnh nhà.
Tôi đến với Gia Nghĩa tình cờ lắm, cứ như một giấc mơ vậy, giấc mơ đến giữa lúc tuổi đôi mươi rẽ hướng khác khi con đường đèn sách ngỡ đã hết duyên. Cơ duyên ấy, đến hôm nay nghĩ lại, nếu không có tiệm bánh mì, quán may trước nhà, nếu không có cô hàng xóm tốt bụng mở đường thì Gia Nghĩa như xa xôi lắm, bởi đi từ Krông Nô về với Gia Nghĩa cũng hơn 100 km rồi. Nét đẹp của Gia Nghĩa những ngày đầu mới thành lập phảng phất hơi thở của một Đà Lạt mộng mơ. Những hàng thông nối dài từ đồi nọ sang đồi kia. Những con dốc, những con suối, hồ... cái gì cũng nhỏ nhắn dịu dàng, dễ thương. Nó càng trữ tình hơn vào tiết mùa đông, không khí se lạnh, hơi ẩm bốc lên mờ ảo như một bức tranh lụa man mát một nỗi niềm với vùng đất mới vừa bắt đầu định hình và phát triển. Những con dốc trải điều khắp thị trấn Gia Nghĩa những ngày mùa đông 2004 càng làm tăng vẻ thơ mộng và hấp dẫn riêng.
Gia Nghĩa hôm nay, khang trang, rộng lớn hơn bởi đường xá, các công trình giao thông, công trình kiến trúc, đặc biệt là công trình hồ Trung tâm Gia Nghĩa đang được gấp rút hoàn thành tạo nên một thành phố trẻ, năng động, đầy sức sống… Gia Nghĩa còn là một điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn bè, du khách với: Đồi chè, thác Liêng Nung, các bon của người đồng bào dân tộc M’nông, Mạ… còn giữ được bản sắc riêng trên địa bàn thành phố. Gia Nghĩa đã thay áo mới, không còn rừng thông, thay vào đó là sắc vàng, sắc tím mỗi mùa hoa nở. Thành phố ồn ào, náo nhiệt hơn nhưng đó là nhịp sống, nhịp sống tích cực mà ai cũng phải hướng tới.
Khi về với Gia Nghĩa, tôi lại nhớ đến Krông Nô, huyện xa nhất của tỉnh Đắk Nông, có cơ hội đi công tác về huyện, là tranh thu đăng ký ngay, để đến những nơi mình chưa đến, được đến với căn cứ cách mạng Nâm Nung, đến xã Nâm N’đir đi thác Bảy Tầng; tham quan hồ Ea Sno của xã Đắk Rồ…, đến huyện Cư Jút vào xã Ea Pô, Nam Dong, đến thăm Hồ Trúc… những địa danh rất gần gũi với tôi qua hai mươi năm sống ở mảnh đất này nhưng tất cả dường như còn rất mới mẻ. Một chút chạnh lòng và dường như có cảm giác xấu hổ, xen lẫn niềm tự hào, quê mình đấy, nơi đã nuôi dưỡng mình hai mươi năm rồi, nhưng hôm nay mình mới biết đến. Vậy mà từ trong tiềm thức, có lúc vì khó khăn, mình đã thầm trách sao bố mẹ lại đưa mình đến với vùng đất rừng rú, xa xôi hẻo lánh này.
Đến huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức! Chào thác Đắk Sin hiền hòa, thác Đắk G’lun kì vĩ đã được nhiều du khách ca ngợi, trầm trồ. Đi sâu hơn vào dọc biên giới, sẽ đến với những đồn biên phòng, đến với những người lính đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên cho quê hương. Những cánh đồng hun hút, những cánh rừng còn sót lại, một cảnh đẹp hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Sợi dây tình cảm nối liền giữa người dân và lính chính là ở những con đường, những cánh đồng bạc trắng mang đặc trưng riêng, mênh mông mà ẩn dưới sâu trong lòng đất là trữ lượng quặng bô xít rất lớn, tiềm năng khoáng sản của Đắk Nông đang được đầu tư, khai thác.
Đi thiền viện không? Thiền viện nào cơ? Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt à, xa lắm, không đi đâu. Đó là những câu hỏi ngày xưa khi được bạn bè ở Gia Nghĩa rủ đi chơi mỗi dịp cuối tuần. Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, một ngôi chùa đang được khởi công xây dựng và dần hoàn thiện được đặt trên một quả đồi cao. Dưới là dòng nước mát của thác Lưu Ly đang chảy rất êm ả. Tôi đã từng được đi Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt và nghĩ rằng khi một mai thiền viện Nâm Nung của Đắk Song ở đây được xây xong cũng sẽ đẹp không thua kém gì ở thành phố Đà Lạt cả.
Trên những chuyến xe máy rong ruổi từ Gia Nghĩa sang Đà Lạt, bạn sẽ đến địa phận huyện Đắk Glong, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ với những ngọn núi, bờ kè chắc chắn. Ấn tượng hơn khi đi sâu vào khu bảo tồn sinh thái Tà Đùng, du thuyền chở dọc sông Đồng Nai, nơi có công trình thủy điện Đồng Nai 3, lênh đênh Hồ Tà Đùng, cảnh sắc Đắk Nông không hề thua kém bất cứ một địa danh du lịch nào cả. Có đi mới biết, Đắk Nông rộng lớn và còn cất giấu bao vẻ đẹp, tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.... Chỉ với một thành phố và 7 huyện nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người, khi đã sống ở đây đến tròn hơn hai mươi năm chưa chắc đã khám phá được hết. Tất cả những chuyến đi ấy khám phá Đắk Nông mới chỉ là "cỡi ngựa xem hoa", chỉ được đặt chân đến, ngắm nhìn và đi, không có thời gian để lưu lại lâu hơn. Tôi và nhiều người nữa đã một lần chạm đến Đắk Nông, sẽ hy vọng có một lần nào đó, tự dứt ra khỏi công việc hiện tại để thâm nhập những địa danh ở Đắk Nông còn dang dở và chưa được khám phá hết. Tương lai du lịch Đắk Nông còn ở phía trước và với riêng tôi, Đắk Nông – tròn 20 tuổi là tuyệt vời, là niềm thương nhớ mãi không nguôi về những ký ức đẹp của hai mươi năm qua, sẽ thương nhớ mãi.
Những ai khi đã đọc được đến đây rồi, mỗi khi có ý định đi du lịch, đến một điểm nào đó thì hãy thương nhớ Đắk Nông – quê tôi một lần, chắc chắn nơi ấy sẽ không làm bạn thất vọng, bởi ở đó có Vịnh Hạ Long trên cao nguyên M’nông, nơi ấy có hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, ở đó có hệ thống sông, suối, thác nước nổi tiếng, chỉ cần nhấp chuột, hình ảnh về những ngọn thác ấy sẽ lung linh hiện ra. Đến với Đắk Nông, bạn được đắm chìm trong không gian văn hóa cồng chiêng M’nông, đến với dệt thổ cẩm, với văn hóa đa sắc màu tại chợ phiên Đắk R’măng dịp cuối tuần, và những ai yêu sắc vàng rực rỡ, màu tím thủy chung sẽ được đắm chìm trong những con đường khắp thành phố Gia Nghĩa ngợp hoa vàng Osaka; hoa bằng lăng tím đợi dịp trổ bông… chắc chắn Đắk Nông sẽ không làm du khách thất vọng, sẽ thương nhớ nhiều hơn sau mỗi lần đến.