Thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu suy giảm

Tiến Hiến (TTXVN/Vietnam+)| 14/07/2023 11:10

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/7, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ trong nửa đầu năm nay đạt 56,53 tỷ USD, giảm so với 57,51 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Thuong mai giua An Do va Trung Quoc xuat hien dau hieu suy giam hinh anh 1Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hãng tin PTI cho biết thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 giảm 0,9%, cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự suy giảm sau khi tăng mạnh trong những năm gần đây.

Hoạt động ngoại thương nói chung của Trung Quốc sụt giảm do nền kinh tế nước này phục hồi khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/7, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ trong nửa đầu năm nay đạt 56,53 tỷ USD, giảm so với 57,51 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc trong cùng kỳ giảm từ 9,57 tỷ USD xuống 9,49 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc nửa đầu năm 2023 cũng giảm đáng kể xuống 47,04 tỷ USD, so với 67,08 tỷ USD.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Ấn Độ-Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 135,98 tỷ USD, tăng 8,4% so với mức 125 tỷ USD của năm 2021. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, lên 101,02 tỷ USD vào năm 2022, vượt con số 69,38 tỷ USD của năm 2021.

Kim ngạch thương mại Ấn Độ và Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm nay khi tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước giảm gần 5% so với một năm trước đó (tính theo đồng USD). Trong đó, xuất khẩu giảm 3,2% và nhập khẩu giảm 6,7%.

Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2023 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, Zhang Zhiwei, cho rằng số liệu mới nhất ở các nước phát triển cho thấy những tín hiệu nhất quán về sự yếu kém hơn nữa, điều có khả năng gây thêm áp lực lên xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm.

Trung Quốc phải phụ thuộc vào nhu cầu trong nước, nhưng vấn đề là liệu nhu cầu trong nước có thể phục hồi trong vài tháng tới mà không cần nhiều kích thích từ chính phủ hay không.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tháng 6/2023 giảm 16,86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu và Mỹ trong tháng 6/2023 giảm lần lượt 12,92% và 23,7%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 6/2023 giảm 30,6% xuống 28,7 tỷ USD.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2023 cũng giảm 6,8%, xuống còn 214,7 tỷ USD, sau khi giảm 4,5% trong tháng Năm.

Phát ngôn viên Lu Daliang của Tổng cục Hải quan cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng thương mại ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát vẫn là mối quan ngại ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới, xung đột địa chính trị vẫn đang diễn ra và không có đủ động lực cho tăng trưởng nhu cầu toàn cầu./.

Tiến Hiến (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/thuong-mai-giua-an-do-va-trung-quoc-xuat-hien-dau-hieu-suy-giam/874971.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/thuong-mai-giua-an-do-va-trung-quoc-xuat-hien-dau-hieu-suy-giam/874971.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu suy giảm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO