Kinh tế

Thương mại, dịch vụ Đắk Nông và những bước tiến mới

Lê Dung 26/01/2025 08:55

Thương mại, dịch vụ Đắk Nông đang có những bước tiến mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Xuất khẩu chiếm ưu thế

Các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông ngày càng được đầu tư, chau chuốt cả về mẫu mã và chất lượng, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

img_1870.jpg
Sầu riêng cấp đông của Đắk Nông đang được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc

Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, TP. Gia Nghĩa chuyên chế biến các loại trái cây xuất khẩu. Điều đáng phấn khởi là nhiều sản phẩm của công ty đang được xuất khẩu chính ngạch đến nhiều thị trường trên thế giới như: sầu riêng cấp đông, xoài, chanh dây, mít sấy, lá chuối tươi...

Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu, Giám đốc công ty Lầu Kiều Vân cho biết, với kinh nghiệm 8 năm tham gia thị trường xuất khẩu, đơn vị luôn tìm cách để thích nghi với mọi thị trường một cách hiệu quả nhất.

img_0227.jpg
Xoài sấy phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, TP. Gia Nghĩa

Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc cho sản phẩm sầu riêng, chanh dây, công ty đang phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới để phục vụ tốt hơn cho những thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông...

“Việc đa dạng mặt hàng, đa dạng thị trường là phương án hiệu quả nhất giúp công ty cạnh tranh tốt hơn khi thị trường xuất khẩu xuất hiện nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia. Đây cũng là giải pháp để công ty từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển”, bà Vân chiêm nghiệm.

Đến nay, quy mô các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông ngày càng gia tăng, giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, alumin...

Thị trường xuất khẩu của Đắk Nông được mở rộng. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Đặc biệt, các mặt hàng nông sản mới như: sầu riêng, chanh dây đã được các thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu trực tiếp.

chanh dây
Chanh dây là một trong những sản phẩm mới được xuất khẩu chính ngạch của Đắk Nông

Quan hệ thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu Đắk Nông hiện đang được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippine, Nhật Bản... Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông…

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày một tăng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Trong số đó có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định, bao gồm: 2 doanh nghiệp nhà nước (Công ty điện lực Đắk Nông, Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam); 7 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pagoda, Công ty TNHH Nông nghiệp MJ Việt Nam).

z6053477685146_f5b44f1004e7577941ce71a193b12ca7.jpg
Trái cây của Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa đang được xuất khẩu qua thị trường Singapore

Trong kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% về giá trị. Đó là Công ty TNHH Olam Việt Nam.

Công ty này cũng đang giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước, chiếm gần 20%. Còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

img_0211.jpg
Đắk Nông ngày càng đa dạng các mặt hàng phục vụ xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông trong giai đoạn 2021 - 2025 ước thực hiện được 4.978 triệu USD, đạt 80,19% kế hoạch.

Phát triển và đồng bộ về hạ tầng

Một điểm nhấn về hạ tầng thương mại, dịch vụ ở Đắk Nông 2 năm gần đây là Dự an Trung tâm thương mại Đắk Mil.

trung-tam-thuong-mai-dak-mil(1).jpg
Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil, huyện Đắk Mil dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2026

Công trình có diện tích xây dựng hơn 7.500 m2, tại thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), với tổng vốn đầu tư gần 645 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả (đối tác chiến lược của Tập đoàn T&T Group) làm chủ đầu tư.

Dự án được thiết kế, xây dựng thành một tổ hợp công trình kiến trúc điểm nhấn với nhiều khu chức năng như: trung tâm thương mại, gian hàng mua sắm, khu tổ chức sự kiện và hệ thống các tiện ích hiện đại (rạp chiếu phim, nhà hàng, cafe, gym, khách sạn…) và các tiện ích khác đạt chuẩn quốc tế.

Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, dự án sẽ trở thành điểm đến vui chơi - giải trí lớn, tích hợp các loại hình kinh doanh và dịch vụ lưu trú hàng đầu tại Đắk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên.

Người dân mua sắm hàng thực phẩm tại Co.opmart Đắk Nông
Đa dạng hàng hóa tại Co.opmart Đắk Nông

Việc thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống thương mại hiện đại, tiện ích trong nhiệm kỳ qua luôn được Đắk Nông ưu tiên thực hiện.

Đến nay, Đắk Nông đã có 1 trung tâm thương mại tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp được hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2. Đồng thời có 1 siêu thị hạng II tại TP. Gia Nghĩa và 1 trung tâm phức hợp tại huyện Cư Jút.

img_3624.jpg
Đắk Nông đang mở rộng phát triển các loại hình dịch vụ thuận tiện phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn

Cùng với đó, Đắk Nông đang có 46 chợ truyền thống được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại; 245 cửa hàng xăng dầu và trên 300 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang hoạt động.

Huyện đang tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn đang tăng tốc phát triển
Người dân mua sắm hàng hóa tại chợ huyện Đắk Glong

Tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh tương đối ổn định về giá cả. Đến nay, hàng hóa kinh doanh đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Dương Thị Quỳnh Mai cho hay, Đắk Nông đang phát triển thương mại theo hướng kết hợp đồng bộ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại và thương mại điện tử. Từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng doanh số thương mại điện tử so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Đắk Nông đạt 13%. Tốc độ tăng trưởng bình quân bán lẻ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử đạt 20-21%/năm.

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhấn mạnh tới phương án phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, Đắk Nông sẽ khuyến khích thu hút đầu tư, xã hội hóa để phát triển trung tâm logistics, trung tâm đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ.

Doanh nghiệp Đắk Nông tham gia thực hành livestream bán hàng trên Tiktok shop
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân bán lẻ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử đạt 20-21%/năm

Đồng thời, xây dựng mới, nâng cấp chợ hạng 1 theo quy hoạch quốc gia cũng như thu hút, xây dựng mới các chợ truyền thống, bảo đảm mỗi phường, xã có 1 chợ.

Cùng với đó là tập trung cho xây dựng cụm kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu. Đầu tư trung tâm logistics tại khu vực Đắk R'lấp, Đắk Mil và xây dựng trung tâm hội chợ, triển lãm tỉnh tại TP. Gia Nghĩa.

img_1748.jpg
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 245 cửa hàng xăng dầu

Giai đoạn 2021 – 2025, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của Đắk Nông ước thực hiện được 104.936 tỷ đồng, đạt 97,49%kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 13,58%/năm, cao gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chủ yếu thuộc khu vực ngoài nhà nước, với trên 90%.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thương mại, dịch vụ Đắk Nông và những bước tiến mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO