Kinh tế

Thương mại Đắk Nông bắt nhịp với chuyển đổi số

Lê Dung 13/02/2024 - 07:23

Thương mại Đắk Nông đang phát triển sang một giai đoạn mới và dần bắt nhịp với chuyển đổi số hiện nay.

ADQuảng cáo

Giao thương trên nền tảng số

Là doanh nghiệp mới nên ngay khi vừa ra đời, Cơ sở sản xuất Trang Thư, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã nhanh chóng tận dụng nền tảng số để phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản của mình.

vien-chuoi-xanh(1).jpg
Sản phẩm viên chuối xanh của Cơ sở sản xuất Trang Thư, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã nhanh chóng tiếp cận nền tảng số để phát triển thị trường

Trước tiên, cơ sở đã thành lập website “tinhdautrangthu.com” để quảng bá thông tin về nơi sản xuất và sản phẩm đến người tiêu dùng. Trên trang thông tin của đơn vị thể hiện rất rõ các nội dung về quy trình sản xuất, các sản phẩm chủ yếu, giá thành mỗi loại... Khách hàng chỉ cần truy cập vào trang web là có thể nắm bắt được đầy đủ thông tin chính thống về sản phẩm để đặt mua.

Hiện tại, cơ sở đang cung ứng ra thị trường nhiều dòng sản phẩm khác nhau bao gồm: dầu bơ, bột bơ, bột chuối xanh, bột tía tô, bột trà xanh, gừng sấy khô, bột nghệ... Cùng với các kênh bán lẻ truyền thống, cơ sở đang tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như: shoppee, tiki, chợ tốt, voso, mekong.... Lượng khách hàng tương tác với sản phẩm qua môi trường số ngày một tăng.

Bà Đinh Thị Hồng Phương, chủ cơ sở cho biết: “Để khách hàng tiếp cận nhanh với sản phẩm, cơ sở đã đầu tư nhiều cho hình ảnh, nội dung thông tin. Đặc biệt, đơn vị đang có một đội ngũ nhân viên hỗ trợ về thiết kế, chăm sóc trên các sàn thương mại điện tử cho sản phẩm”.

Đắk Nông đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm; trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 27.528 lượt.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh của Đắk Nông đã bắt nhịp nhanh chóng với chuyển đổi số. Phần lớn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều đã trang bị mã Qr, giúp khách hàng thanh toán thuận tiện hơn khi mua sắm.

kinh-te-so(1).jpg
Khách hàng Đắk Nông quét mã Qr để thanh toán khi mua hàng hóa

Mô hình tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhân rộng ở nhiều địa phương và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và các đơn vị kinh doanh. Điều này đang dần thay đổi thói quen thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt sang phương thức quét mã Qr, chuyển khoản, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số.

Số Qr-code được trang bị tại các điểm sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng trong toàn tỉnh Đắk Nông đạt 8.120 mã, tăng 4.681 mã so với đầu năm 2023.

“Tốc độ chuyển phát nhanh”

ADQuảng cáo

Đắk Nông là một trong 15 tỉnh, thành trong cả nước được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng số trong năm 2023.

img_0663(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Toàn, chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) livetream bán hàng trên TikTok Shop

Địa phương hiện đã quan tâm hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt là đưa các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn như OCOP, VietGAP… lên sàn 2 thương mại voso.vn và postmart.vn.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, vấn đề quan trọng nhất hiện nay khi tham gia thương mại số là doanh nghiệp Đắk Nông phải xây dựng hình ảnh mang tính đặc thù, khác biệt. Qua đó giúp khách hàng nhận diện sản phẩm nhanh, dễ dàng hơn so với sản phẩm cùng loại ở những địa phương khác.

img_0407(1).jpg
Đắk Nông là một trong 15 tỉnh, thành trong cả nước được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng số trong năm 2023

Song song với đó, chất lượng, mẫu mã, xuất xứ của hàng hóa phải được các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn nữa, để khách hàng yên tâm khi trao đổi thương mại qua kênh mua bán mới.

Bà Nguyễn Thị Toàn, chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho hay, mới đây, đơn vị đã tiếp cận bán hàng nền tảng TikTok Shop. Đây là kênh bán hàng rất mới, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Bởi số lượng người dùng tiếp cận TikTok rất lớn. Họ có thể vừa giải trí, vừa mua bán hàng hóa thuận lợi.

Nhiều kỹ năng bán hàng được đơn vị học hỏi thêm để tăng lượng tương tác từ người dùng như: đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng, cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức gói bọc, vận chuyển sản phẩm…

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ triển khai thúc đẩy hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cho 2.000 sản phẩm, 100% sản phẩm OCOP. Tỷ lệ giao dịch trên sàn thương mại điện tử tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022.

TS. Quách Ngọc Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần WORKIT cho rằng, trong năm 2024, yêu cầu về tốc độ giao hàng của người mua qua các kênh thương mại điện tử ngày càng trở nên cấp thiết.

img_0711(1).jpg
Cùng với chất lượng sản phẩm, tốc độ vận chuyển sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX chiếm ưu thế khi tham gia thương mại số

“Tốc độ chuyển phát nhanh” không chỉ là một mong muốn đơn thuần, mà còn là tiêu chí quan trọng để khách hàng đánh giá mức độ hài lòng khi mua sắm sản phẩm. Trong một số trường hợp, khách hàng sẵn sàng trả thêm chi phí để nhận được sản phẩm đã đặt càng sớm càng tốt.

Như vậy, các doanh nghiệp, HTX của Đák Nông nếu không thay đổi, bắt kịp xu hướng này để cung cấp những giải pháp hiệu quả, người dùng sẽ không ngần ngại tìm kiếm những phương án thay thế đến từ phía đối thủ cạnh tranh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại Đắk Nông bắt nhịp với chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO