Đời sống

Thương binh Trương Đồn vượt lên nỗi đau chiến tranh

Đặng Dương 27/07/2024 09:00

Những ngày cuối tháng 7, phóng viên Báo Đắk Nông được gặp gỡ thương binh Trương Đồn (SN 1956) để nghe ông kể về hành trình vượt lên nỗi đau chiến tranh, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế.

Bố và 2 anh trai hy sinh

Trong căn nhà nhỏ ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), thương binh Trương Đồn trang trọng treo những tấm bằng Tổ quốc ghi công ở ngay phòng khách. Nói về những tấm bằng thiêng liêng ấy, ông Đồn xúc động: “Bố và 2 anh trai tôi hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, tôi may mắn sống sót trở về!”.

Lần giở lại ký ức hơn 50 năm trước, ông Đồn cho biết, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ cha, chú đều lên đường đi đánh giặc. Sống, chết không thể biết trước, tất cả chỉ có chung một ý chí là bảo vệ đất nước.

Thương binh

“Năm 1966, chỉ một thời gian ngắn khi bố nhập ngũ, gia đình bất ngờ nhận được tin ông hy sinh trong lúc chiến đấu. Gác lại nỗi đau mất chồng, mẹ tôi động viên 2 anh trai theo bố lên đường đánh giặc”, ông Đồn kể.

Trong cuộc chiến giữ nước, gia đình ông Đồn lần lượt nhận được 3 giấy báo tử, khi bố và 2 anh trai hy sinh. Sự hy sinh của bố của anh đã thôi thúc người con xứ Quảng vượt qua nỗi đau, tiếp tục xung phong ra trận.

Nhắc về thời gian tham gia lực lượng du kích địa phương, ông Đồn cho biết, những năm 1970, 1971, Mỹ - ngụy càn quét rất nhiều xóm, làng Quảng Nam. Thanh niên trong vùng đứng trước 2 lựa chọn, đó là bị bắt đi quân dịch hoặc cầm súng bảo vệ quê hương. Năm 1971, khi vừa tròn 15 tuổi, ông Đồn tiếp bước cha, anh tham gia lực lượng du kích địa phương.

Thương binh Trương Đồn nói tiếp: “Tôi bị thương trong một lần vượt sông Thu Bồn (Quảng Nam). Điều trị xong, tôi tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày đất nước giải phóng. Ngày hòa bình, tôi đã gần 20 tuổi. Lúc đó tôi mới bắt đầu đi học chữ”.

Chia sẻ về lý do đi học chữ khi tuổi đã lớn, ông Đồn nói rằng, sau ngày đất nước giải phóng, thanh niên trong làng mới có điều kiện để đi học. Bản thân ông xác định, muốn có cuộc sống tốt hơn thì phải biết chữ. Chính vì thế, liên tục trong 5 năm, ông Đồn tham gia các lớp học xóa mù chữ do chính quyền địa phương mở.

“Ngày ấy cũng nhờ đi học mà tôi biết chữ, biết đọc sách, báo, dùng điện thoại, biết làm kinh tế như hôm nay”, ông Đồn dí dỏm nói.

Không để mình thành “gánh nặng” của Nhà nước

Năm 1995, ông Đồn rời quê Quảng Nam để vào Đắk Nông lập nghiệp. Sau 9 năm vất vả mưu sinh ở vùng đất mới, đến năm 2003, ông Đồn đón vợ, con vào ở cùng.

Nói về quyết định lập nghiệp trên quê hương mới, ông Đồn chia sẻ: “Ở quê chỉ có vài sào đất ruộng nên làm chỉ đủ ăn chứ không dư giả. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi theo một số đồng hương vào Đắk Nông mua đất, làm cà phê. Ngày đó, tôi tự nhủ, mình phải vì cuộc sống gia đình, vì tương lai của con mà cố gắng phấn đấu, cố gắng làm ăn, với hy vọng đủ điều kiện để lo cho con cái học hành đàng hoàng”.

Hinh 2
Gia đình thương binh Trương Đồn có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm từ canh tác cà phê và sản xuất cây giống

Bằng đôi bàn tay và ý chí quyết tâm vươn lên, từ cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai, ông Đồn đã trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế, đúng với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế” như lời dạy của Bác Hồ.

Thương binh Trương Đồn kể: “Gần 10 năm một mình ở Đắk Nông, năm 2003, tôi mới có cơ hội đoàn tụ cùng vợ con. Cũng từ năm đó, gia đình tôi bắt đầu kinh doanh cây giống. Từ một số ít bầu cà phê tự ươm bán cho bà con trong vùng, đến nay mỗi năm tôi bán được khoảng 30.000- 40.000 cây giống các loại”.

Tự hào chia sẻ về vườn cây giống của gia đình, ông Đồn nói rằng, tất cả đều một tay vợ chồng ông ươm tạo. Không trải qua trường lớp mà kinh nghiệm và kiến thức về ươm giống cây được ông Đồn tích lũy từ thực tế và tự tìm hiểu qua sách, báo, trên mạng xã hội.

Thương binh 68 tuổi tự tin chia sẻ: “Khi làm rẫy, tôi thường đến nhà một số hộ dân xung quanh để tìm hiểu cách họ ươm cây giống như thế nào rồi về học làm theo. Sau này, có sách, báo, mạng xã hội, tôi hay thường xuyên vào để tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ thuật từ các chuyên gia. Khi đã nắm vững kỹ thuật, vợ chồng tôi mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ canh tác hơn 1,4ha cà phê và sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 500 triệu đồng”.

Hinh 3
Trong thời gian qua, ông Trương Đồn đã phát huy truyền thống gia đình và phẩm chất tốt đẹp của thương binh trong phát triển kinh tế và công tác xã hội

Khi đời sống kinh tế gia đình đã ổn định, ông Đồn bắt đầu nghĩ tới việc chia sẻ, hỗ trợ những hộ dân khó khăn trong vùng. Đối với những hộ dân đang cần giống nhưng chưa có tiền, gia đình ông Đồn sẵn sàng cho nợ cho đến khi được thu hoạch. Một số hộ gần nhà, ông Đồn còn chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây để đạt được hiệu quả cao nhất.

“Năm 2012, gia đình tôi gặp khó khăn về nhà ở nên được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Sau này khi cuộc sống tốt hơn, tôi tâm niệm, mình từng trải qua quãng thời gian túng thiếu, từng được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, hỗ trợ, nên mình cần có trách nhiệm giúp đỡ những trường hợp khó khăn hơn”, ông Đồn nói và cho biết, đó là cách ông phát huy truyền thống cách mạng của gia đình trong thời bình.

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của ông, năm 2023, thương binh Trương Đồn đã vinh dự đại diện cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh của tỉnh Đắk Nông có báo cáo tham luận tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Ông Trần Viết Sơn, Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh Đắk Nông trân trọng, ghi nhận những đóng góp của gia đình ông Trương Đồn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua, với tinh thần tương thân tương ái, chung tay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, thương binh Trương Đồn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao cả, đúng với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế".

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thương binh Trương Đồn vượt lên nỗi đau chiến tranh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO