"Thuốc tại vườn" ở các đơn vị quân sự tỉnh Đắk Nông
Hiện nay, các đơn vị quân sự tỉnh Đắk Nông đều xây dựng một vườn thuốc nam với nhiều loại cây thuốc quý để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội.
Việc dùng thuốc nam trong phòng, điều trị bệnh đã được đúc kết từ hàng trăm năm qua. Để phát huy hiệu quả của các vị thuốc, hiện nay các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Nông đã sưu tầm, mở rộng vườn thuốc nam, phục vụ việc điều trị các bệnh thông thường cho cán bộ, chiến sĩ. Các loại cây thuốc nam áp dụng trong điều trị kết hợp với tây y đã góp phần giảm chi phí điều trị các bệnh thông thường.
Vườn thuốc nam của Đại đội Bộ binh 6, Ban CHQS huyện Đắk Song có diện tích khoảng 100m2. Hiện vườn có hàng chục loại cây thuốc nam, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thay phiên nhau chăm sóc mỗi ngày. Trong số này, các vị thuốc chữa đau bụng hoặc cảm cúm được trồng nhiều nhất do thường xuyên được sử dụng.
Thượng úy Dương Hoài Thanh, Nhân viên Quân y, Đại đội Bộ binh 6 chia sẻ: “Ngoài tăng gia, sản xuất, chăm sóc vườn rau xanh, mỗi ngày đơn vị sẽ phân công khoảng 3-4 chiến sĩ chăm sóc vườn thuốc nam. Trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi sẽ trao đổi để các chiến sĩ hiểu, biết được công dụng của các vị thuốc, để khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có thể phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình”.
Đại đội Bộ binh 1, Ban CHQS huyện Đắk Mil cũng gây ấn tượng bởi sự sắp xếp các vị thuốc trong vườn thuốc nam khoa học, cây phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phòng, điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Hiện vườn thuốc có 10 nhóm theo tiêu chuẩn của Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) với các loại thuốc trị cảm cúm, rắn cắn, hô hấp, khớp, ngoài da, tiêu độc...
Những năm qua, vườn thuốc nam đã phát huy được tác dụng rõ rệt trong điều trị một số bệnh thông thường. Hơn nữa, một số loài thuốc nam còn được dùng trong bữa ăn hằng ngày như một loại gia vị kết hợp với điều trị... Ngoài ra, người dân trong vùng nếu có nhu cầu cũng có thể tới đơn vị để lấy về sử dụng.
Theo Đại úy Hà Hồng Quảng, Nhân viên Quân y Đại đội Bộ binh 1, hàng năm, đơn vị đều cố gắng cải tạo, sưu tầm, bổ sung các vị thuốc trong vườn thuốc nam để phục vụ điều trị thêm nhiều chứng bệnh. Bên cạnh đó, nhân viên quân y cũng thường xuyên tìm hiểu, bổ sung kiến thức, công dụng của các cây thuốc để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Đại úy Hà Hồng Quảng cho hay: “Với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”, Đại đội Bộ binh 1 đã không ngừng sưu tầm, củng cố, mở rộng vườn thuốc nam tại các đơn vị. Sau mỗi giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ lại phân công nhau chăm sóc vườn thuốc nam. Nhờ đó, mỗi cán bộ chiến sĩ đều nắm bắt được những kiến thức cơ bản, giúp nhận diện, phân loại các vị thuốc, đặc biệt là cách sử dụng loại cây thuốc để điều trị bệnh”.