"Thước đo" của ngành Y tế Đắk Nông
Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông không ngừng đầu tư phát triển kỹ thuật cao, nâng cao hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người dân làm "thước đo" trong hoạt động.
Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại
Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Đắk Nông, khác với nhiều năm trước, hiện tại trung tâm có hơn 120 loại máy móc, thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, khám sàng lọc... Trong đó, trung tâm có nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu như hệ thống phân tích phân tử định tính Realtime - PCR, hệ thống ELISA, hệ thống sắc ký khí ghép khối phổ, máy xét nghiệm sinh hoá tự động hoàn toàn, X-quang, máy siêu âm, thiết bị lấy mẫu vi sinh trong không khí....
Minh chứng rõ nét nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, với các trang thiết bị hiện đại CDC Đắk Nông đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch, được lãnh đạo tỉnh, ngành, nhất là người dân đánh giá cao. Hiện nay, CDC Đắk Nông đã được công nhận các chứng nhận như chẩn đoán sởi và Rubella, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, bạch hầu, HIV. Danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh của đơn vị ngày càng tăng.
Với vai trò là đơn vị y tế hàng đầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến công tác triển khai kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại. Một số kỹ thuật hiện đại đã được bệnh viện triển khai thành công và đang được duy trì tốt.
Các kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu, khớp gối, phụ khoa nâng cao; phẫu thuật thay khớp háng, kết hợp xương hiện đại; phẫu thuật chấn thương sọ não; lọc máu liên tục; lọc máu hấp phụ; thở oxy dòng cao; chạy thận nhân tạo... được bệnh viện áp dụng thành công.
Điển hình, ngày 27/10/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã cứu chữa kịp thời cho 2 nạn nhân trẻ tuổi bị tai nạn giao thông ở các huyện Đắk Song, Đắk Glong chuyển lên trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Tương tự, ngày 30/11/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật nội soi thành công cho chị H’Sem ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) bị u nang buồng trứng nhưng lại đang mang thai 15 tuần. Sau ca phẫu thuật, chị H’Sem xúc động: “Tôi rất cảm ơn các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã chữa trị, chăm sóc và bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và bé”.
Bác sĩ Trần Duy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Từ việc ứng dụng các kỹ thuật mới, chuyên sâu, bệnh viện đã cứu sống thành công nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, phức tạp. Chất lượng khám, điều trị ngày được nâng cao đã tạo điều kiện cho người dân được hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại chỗ mà không cần chuyển lên tuyến trên”.
Ông Nguyễn Văn Liêm sống tại TP. Gia Nghĩa cho biết: “Tôi bị suy thận lâu năm. Trước đây, hàng tháng phải đi về TP. Hồ Chí Minh mới có thể chạy lọc thận nhân tạo, tốn kém nhiều chi phí, công sức. Giờ đây, tôi đã thực hiện chạy thận nhân tạo ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa bảo đảm sức khỏe vừa đỡ phải đi lại, tốn kém”.
Đáp ứng điều kiện “cần và đủ”
Ngành Y tế và các địa phương đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư theo phương thức xã hội hóa, góp phần xây dựng, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từng bước làm chủ các kỹ thuật khó trong y học hiện đại.
Cụ thể, ngành Y tế triển khai 19 đề án liên doanh liên kết để mua sắm trang thiết bị y tế với tổng trị giá gần 33 tỷ đồng. Nhiều thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao được đưa vào khám, chữa bệnh như hệ thống CT scanner 64 lát cắt; máy xét nghiệm huyết học laser; ghế đo điện não; máy chạy thận nhân tạo… Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á-Tây Nguyên đang được xây dựng tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, quy mô 700 giường, được kỳ vọng trở thành bệnh viện đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông,
Bác sĩ Trần Duy Dũng cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở hạ tầng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng khu nhà mới, bệnh viện còn được đầu tư thêm một số trang thiết bị mới, nhất là hệ thống MRI. Tuy nhiên, quan điểm của bệnh viện là có thiết bị tốt, hiện đại chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa đủ. Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao, biết sử dụng, khai thác tối ưu các loại máy móc hiện đại đó mới bảo đảm điều kiện “đủ”. Vì vậy, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch và tập trung đào tạo ngắn hạn, dài hạn nguồn nhân lực hàng năm theo lộ trình, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao cho người dân.
Bệnh viện luôn duy trì triển khai các chương trình, đề án với các bệnh viện tuyến trên để được tiếp cận, hỗ trợ các kỹ thuật khám, chữa bệnh mới. Bệnh viện thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi Đồng II (TP. Hồ Chí Minh)... để đội ngũ y bác sĩ có điều kiện cập nhật thêm kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề.
Lấy y đức làm trọng
Không riêng gì Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển y tế giữa Sở Y tế Đắk Nông và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh 4 nội dung chính gồm đào tạo nhân lực; chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị; xã hội hóa về công tác y tế được triển khai có hiệu quả. Các đơn vị y tế của tỉnh Đắk Nông được các bệnh viện có uy tín tại TP. Hồ Chí Minh luân phiên về hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông còn kết nối với các bệnh viện lớn trong nước, với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành để hội chẩn, chẩn đoán từ xa qua các hệ thống công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí, hạn chế chuyển tuyến trên.
Bác sĩ Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông khẳng định: Với sự quan tâm của tỉnh, ngành Y tế Đắk Nông đã có nhiều đổi mới và có bước tiến vượt bậc trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, ngày càng đáp ứng sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đầu tư, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, ngành Y tế luôn nỗ lực nâng cao y đức, thể hiện sự tận tâm ngay trong công việc hàng ngày, lấy sự hài lòng, tin tưởng, yên tâm của người dân làm thước đo cao nhất.