Ở cao nguyên Langbiang có loài hoa “lạ” lắm. Quanh năm “ngủ vùi” chẳng ai để ý, bởi nó là loài hoang dại, không tỏa hương quyến rũ. Nhưng, khi những cơn mưa cao nguyên thưa dần, mùa nắng lạnh đến… Đông về. Loài hoa ấy lại khoe sắc vàng khắp nẻo. Thung thăng qua những triền đồi trong mùa nắng lạnh Đà Lạt và vùng ven đô, lữ khách đắm đuối với sắc vàng dung dị: Dã quỳ!
Dã quỳ, nhiều người quen gọi là cúc quỳ, riêng tên sơn quỳ nghe lạ lắm, nhưng cũng để chỉ loài hoa vàng này.
Nam Tây Nguyên tháng gió, mùa đi. Những cơn gió mơn man đung đưa những khóm hoa vàng. Cô gái nhặt đóa hoàng hoa che mặt, không giấu được nét duyên.
Dã quỳ, nhiều nơi có. Song, ở vùng đất Nam Tây Nguyên dã quỳ gây xao xuyến nhiều hơn. Bởi vùng sơn nguyên này có địa hình đặc trưng, núi đồi xếp lớp trong sương như miền mơ tưởng.
Chẳng cần khơi gợi gốc gác của dã quỳ. Ai đã từng đến cao nguyên Langbiang, hay gắn bó với vùng đất này đều không khỏi đắm say, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp dã quỳ mỗi độ hoa vàng bung cánh.
Khoảng tháng 10 hằng năm, khi Tây Nguyên chỉ còn thảng hoặc những cơn mưa, mùa nắng lạnh đặc trưng đến, là lúc dã quỳ thức tỉnh bung hoa khoe sắc.
Khi loài hoa này bắt đầu bung cánh, người ta nhận biết Tây Nguyên vào mùa khô. Dã quỳ được ví là loài hoa “báo đông” là vậy, khi sắc vàng trải thảm trên những triền đồi, mùa đông đã đến.
Chẳng cần nhắc nhớ. Khi những cô gái bắt đầu sửa soạn xiêm y như mùa đi hội, thả ánh mắt xa xăm về phía triền thung, mùa hoa vàng đã rộ. Dã quỳ óng ả nhất vào tháng 11, những chiếc là chưa biết ủ rũ, nhụy hoa chưa chuyển màu.
Còn gì lãng mạn hơn khi “đưa em tìm động hoa vàng”. Mà chẳng cần tìm, đông đến, loài hoa hoang dại tự nhiên đan dệt nên tấm áo mới cho miền đất lạnh.
Nhiều người bảo, Đà Lạt có cái nắng mùa đông rất đặc biệt: Nắng lạnh! Ánh nắng vàng trong suốt làm tôn lên vẻ hoài cổ, sang trọng của đô thị cao nguyên, như “bản phối” nghệ thuật kiến trúc Á-Âu diễm lệ.
Ai đã từng đến cao nguyên Langbiang mùa nắng lạnh - mùa hoa vàng và phiêu lãng qua những cung đường nhàn du, không vướng bận nhịp điệu phố… hẳn sẽ luyến lưu, hoài nhớ.
Điều đặc biệt khiến bao người xao xuyến với dã quỳ, bởi loài hoa hoang dại này luôn hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên của vùng đất cao nguyên. Khiêm nhường dưới tán rừng, e ấp chốn hoang sơ… nhưng bao người ước muốn tìm về.
Những ngày này, dã quỳ đã “thắp” ánh vàng khắp các nẻo đường trên cao nguyên Langbiang, cao nguyên Di Linh và xứ B’Lao tên gọi thành phố Bảo Lộc một thuở… Hoa vàng bung nở cùng những nụ cười hiền ở những miền sơn dã.
Loài hoa dại nhưng làm bao lữ khách đắm say. Hoa dã quỳ được ví như cô gái miền sơn cước, dung dị, bẽn lẽn nhưng đầy sức sống, ẩn chứa những “miền mơ tưởng” đầy hấp lực.
Không hương thơm quyến rũ, nhưng ai đã trót yêu loài hoa này đều cảm được “hương đất, nhụy trời” mùa nắng gió Tây Nguyên.
Gác lại những hoài niệm, cất giấu những ưu tư, hãy hòa vào thiên nhiên của cao nguyên đất lành và đắm đuối trong miền hoa vàng thơ mộng.
Mùa này, miền đất Nam Tây Nguyên luyến lưu sắc vàng hoa dại. Hoa ngập ngừng bên triền đồi, hoa thảnh thơi bên dốc vắng, hoa e ấp bên đường, hoa đan dệt thảm vàng dưới tán rừng thông, hoa rong chơi trên núi và e lệ khoe sắc nơi góc phố bình yên… Sắc vàng thanh tao, phóng khoáng.
Dường như, hoa vàng mấy độ cũng không còn ai để ý. Dã quỳ bung cánh mỏng manh rồi chóng “cúi đầu” giữa miền đất đại ngàn. Dã quỳ nở không toan tính, cứ khoe hết màu vàng rực với trời đất, với vạn vật và miên man cùng nắng gió Tây Nguyên.
Đôi khi, những đóa dã quỳ cũng được nâng niu tết thành vương miện. Đôi khi, cô gái Cơ Ho, Chu Ru, Mnông… cũng e lệ ngắt nhành hoa vàng bên đường làm “tín hiệu yêu đương” với chàng trai mình thích.
Nhiều người xao xuyến với động hoa vàng trong nhạc, trong thơ rồi nhớ Tây Nguyên, vấn vương miền nắng gió mỗi độ hoa vàng.
Ven đô Đà Lạt nắng vấn vương. Những cơn gió đi hoang qua những triền thung nhộm sắc dã quỳ. Ghé quán cà phê “cóc” chênh vênh bên đồi, được nghe lại bản nhạc “Đưa em tìm động hoa vàng”, rằng: “Ngày xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…”, khiến lòng chơi vơi nỗi nhớ. Ừ thì, nhớ những mùa hoa…
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.