Y tế - Sức khỏe

Đắk Nông thực hiện nhiều giải pháp để “giữ chân” bác sĩ

Ngô Đồng - Thanh Hằng 24/02/2023 06:00

Một trong những khó khăn của ngành Y tế tỉnh Đắk Nông trong những năm qua đó là luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu y, bác sĩ chất lượng cao. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế liên quan đến vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Nguồn nhân lực của ngành Y tế có tính quyết định rất lớn đến nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Vậy, ông có thể nêu khái quát về thực trạng nguồn nhân lực của ngành Y tế tỉnh hiện nay?

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh: Năm 2022, ngành Y tế Đắk Nông được giao 2.156 biên chế; trong đó, có 58 biên chế công chức và 2.098 biên chế sự nghiệp. Trong khi khối lượng công việc ngày càng lớn, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường nên tất cả mọi người đều phải làm tăng ca. Để giải quyết việc thiếu nhân lực Sở Y tế phải tăng cường 6 nhân viên từ các đơn vị trực thuộc và các ban quản lý dự án để hỗ trợ thì mới có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu công việc.

Đối với biên chế viên chức, hiện Sở Y tế đang tạm giao bằng số đã giao từ năm 2022 là 2.098 biên chế. Trong đó, số được hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.474 biên chế, từ nguồn thu là 627 biên chế. Năm 2022, ngành đã cắt 203 biên chế hưởng lương từ nguồn ngân sách (chiếm 77,4% tổng số biên chế viên chức toàn tỉnh do Bộ Nội vụ cắt giảm năm 2022). Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã làm giảm sút nghiêm trọng nguồn thu, dẫn đến kinh phí thu không đủ chi. Vì vậy, dù biên chế giao vẫn còn nhưng các đơn vị y tế không dám tuyển dụng hay hợp đồng vì không có kinh phí để chi trả lương và các khoản theo lương.

Mặt khác, những năm gần đây, số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác ngày càng nhiều, nhất là bác sĩ. Cụ thể, từ năm 2018-2022, toàn tỉnh có 82 bác sĩ nghỉ việc và 12 bác sĩ chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Nguyên nhân chính, xuyên suốt là thu nhập của bác sĩ, nhất là số người có thâm niên, được đào tạo sau đại học còn quá thấp so với một số tỉnh thành như Đắk Lắk, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, khu vực y tế tư nhân, các bệnh viện quy mô lớn, trình độ kỹ thuật cao, thu nhập tốt, có điều kiện được nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng... nên thu hút được bác sĩ “nhảy việc”.

huynh-2222(2).png

PV: Ngành Y tế Đắk Nông có những giải pháp gì để có thể “giữ chân” và thu hút nguồn nhân lực?

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh: Đối với tỉnh Đắk Nông, sự phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế, thấp hơn so với nhiều tỉnh thành, nên việc “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế khó khăn hơn rất nhiều, thực trạng trên là khó tránh khỏi. Điều đáng mừng là tuy còn khó khăn nhưng tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, có nhiều giải pháp, chính sách khác nhau đã phần nào góp phần “giữ chân” bác sĩ ở làm việc.

Cụ thể, năm 2014, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND về thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Từ khi chính sách được triển khai, tỉnh đã thu hút được 47 bác sĩ; trong đó có 4 bác sĩ sau đại học, với kinh phí 9,7 tỷ đồng; đãi ngộ cho 2.120 lượt cán bộ chuyên môn, với kinh phí 20,9 tỷ đồng. Qua thống kê, tại thời điểm xây dựng chính sách năm 2015, toàn tỉnh có 286 bác sĩ thì đến nay tăng lên 508 bác sĩ. Dược sĩ đại học từ 11 người, đến nay đã tăng lên 73 người, trong đó có 2 dược sĩ chuyên khoa I. Bác sĩ chuyên khoa I và tương đương từ 46 người đã tăng lên 128 người. Bác sĩ chuyên khoa II từ 2 người đến nay tăng lên 7 người và 2 tiến sĩ y khoa. Đi đôi với đó là tỷ lệ bác sĩ/vạn dân từ 6,2 người hiện tăng lên 8,5 người.

Hiện nay, chính sách trên đã hết hiệu lực, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chính sách thu hút mới, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2023 – 12/2025.

Ngoài ra, Sở Y tế còn thực hiện nhiều chính sách đồng bộ như tổ chức tuyển dụng mới để củng cố, bổ sung nguồn nhân lực; đẩy mạnh đào tạo đại học và sau đại học; kêu gọi các dự án để đầu tư trang thiết bị máy móc, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Công tác tổ chức cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đúng đủ, khen thưởng động viên kịp thời, nhất là những người trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên môn… được ngành quan tâm, thực hiện tốt.

ADQuảng cáo
015(1).jpg
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19

PV: Bên cạnh nguồn nhân lực thì điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người hành nghề y. Ngành Y tế đã có giải pháp gì để nâng cao y đức trong đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế?

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh: Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Người nhấn mạnh: “Lương y phải như từ mẫu”.

Ngành Y tế cả nước nói chung và ngành y tế tỉnh Đắk Nông nói riêng luôn khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và lời thề Hippocrates, đặt cái tâm lên hàng đầu trong quá trình hành nghề y. Bởi vì, các điều kiện vật chất khác, cơ sở làm việc có tốt đến đâu, trình độ chuyên môn có tốt đến đâu nhưng cái tâm của con người không tốt thì cũng không thể phục vụ Nhân dân đạt kết quả hoặc được Nhân dân yêu quý.

090846_dsc9993(1).jpg
Người cao tuổi được thăm khám sức khoẻ theo định kỳ tại các trạm y tế.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của y đức, Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Y tế thường xuyên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên phải tận tâm phục vụ Nhân dân, không vì mục đích cá nhân, không vụ lợi. Đặc biệt, toàn ngành Y tế Đắk Nông phát huy tinh thần học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sát với thực tiễn công việc chuyên môn. Trọng tâm vẫn là nêu cao y đức.

Các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Bác Hồ được ngành cụ thể hóa thành các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để cán bộ, đảng viên đăng ký, phấn đấu thực hiện, kết hợp với việc kiểm tra, đôn đốc của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể.

Việc tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế tiêu cực, góp phần rèn luyện nhân cách, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý thức học tập, tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên ngành Y tế luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ Nhân dân, chống phiền hà, sách nhiễu đối với các tổ chức, công dân.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện thu nhập, môi trường làm việc để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị, với quê hương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiều giải pháp, chính sách, góp phần củng cố, “giữ chân” bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO