Thực hiện hiệu quả tín dụng ngân hàng góp phần tăng trưởng kinh tế

NGUYỄN CÔNG LÝ| 23/04/2025 22:21

Bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa thành các mục tiêu, giải pháp thực hiện cho toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước khu vực 11 quyết tâm triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lành mạnh, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên.

Nhân viên Agribank chi nhánh Đắk Lắk tư vấn cho khách hàng về các nguồn vốn tín dụng của đơn vị.Nhân viên Agribank chi nhánh Đắk Lắk tư vấn cho khách hàng về các nguồn vốn tín dụng của đơn vị.

Nhiêu giải pháp tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước khu vực 11 có phạm vi quản lý năm tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển khá chênh lệch giữa vùng núi cao, thung lũng và các cao nguyên; khoảng cách địa lý giữa trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh khá xa, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực 11 được mở rộng từ trung tâm thành thị đến các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, tiền tệ ngân hàng và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Toàn khu vực hiện có 32 tổ chức tín dụng đang hoạt động với 115 chi nhánh cấp 1,năm chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 51 quỹ tín dụng nhân dân, hơn 1.170 chi nhánh cấp 2...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, thời gian qua, toàn ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản hướng dẫn, tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức tín dụng triển khai các nghiệp vụ cấp tín dụng mới, thuận tiện cho khách hàng. Điều hành chính sách tín dụng chủ động, linh hoạt; yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay, đổi mới biện pháp điều hành tín dụng... Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế để chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với khách hàng. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng... Vì vậy, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để có điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Cương, quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 11 cho biết: Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng khu vực 11 đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Tính đến 28/2/2025, tổng dư nợ tín dụng khu vực 11 đạt trên 590 nghìn tỷ đồng, tăng 0,54% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,75% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của vùng, như: tín dụng cho ngành thương mại, dịch vụ chiếm hơn 54%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 33%. Tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 62% tổng dư nợ khu vực; trong đó một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà-phê chiếm 73% dư nợ cà-phê toàn quốc; hồ tiêu chiếm 47% dư nợ hồ tiêu toàn quốc; cao su chiếm 12% dư nợ cao su toàn quốc...

Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng

Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 11 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại diện các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cùng các doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận về kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên những tháng đầu năm 2025. Một số nội dung được các đại biểu quan tâm như: tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; chính sách lãi suất cho vay; khả năng mở rộng tín dụng có hiệu quả trong năm 2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Trương Công Thái cho biết, việc thành lập Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 11 có vai trò quan trọng, đóng góp nguồn lực trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để ngành ngân hàng tập trung triển khai các giải pháp, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh trong khu vực.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 11, đến hết quý I năm 2025, tổng dư nợ cho vay của khu vực ước đạt hơn 593 nghìn tỷ đồng, tăng 5.858 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 364.142 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,33% trên tổng dư nợ, tăng 4.007 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 56.327 tỷ đồng, tăng 1.595 tỷ đồng so với đầu năm. Đặc biệt, tín dụng ngân hàng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn luôn đóng vai trò chủ đạo, phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn các tỉnh trong khu vực. Nguồn lực tín dụng ngân hàng sẽ góp phần quan trọng giúp tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung thực hiện tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Theo quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 11 Nguyễn Kim Cương, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khu vực 11 sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Bên cạnh đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng cần sự phối hợp của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn các tỉnh trong khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ, giúp người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra

Bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa thành các mục tiêu, giải pháp thực hiện cho toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước khu vực 11 quyết tâm triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lành mạnh, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thuc-hien-hieu-qua-tin-dung-ngan-hang-gop-phan-tang-truong-kinh-te-post874710.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thuc-hien-hieu-qua-tin-dung-ngan-hang-gop-phan-tang-truong-kinh-te-post874710.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Thực hiện hiệu quả tín dụng ngân hàng góp phần tăng trưởng kinh tế
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO