Quân đội thực hiện trách nhiệm, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án 1371 do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 9-1, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Lào Cai cho biết: Bộ CHQS tỉnh cùng các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 1371; chủ động triển khai kế hoạch, nhiệm vụ PBGDPL trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, sát đối tượng, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Công tác PBGDPL đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tổ chức với nhiều mô hình khác nhau, như: “Dòng họ tự quản”, “Phiên tòa giả định”, “Mỗi ngày một điều luật, mỗi tuần một câu hỏi pháp luật”, “Năm cánh hoa pháp luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”... cùng nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... “Kết quả thực hiện Đề án 1371 đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực biên giới”, đồng chí Giàng Thị Dung nhấn mạnh.
Cán bộ, nhân viên Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La thăm hỏi, vận động dân bản ở xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chấp hành pháp luật. Ảnh: HUYỀN TRANG |
Tại Quân khu 9, các đơn vị đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác khảo sát, nắm nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các nhóm đối tượng trên địa bàn, từ đó xác định đúng nhu cầu để biên soạn, bảo đảm tài liệu tuyên truyền, PBGDPL sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Hơn 3 năm qua, các đơn vị tổ chức PBGDPL tập trung cho hơn 1,9 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với địa phương, đơn vị kết nghĩa tuyên truyền, PBGDPL thu hút hơn 3,4 triệu lượt người tham gia. Bộ CHQS 12 tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát mức độ hài lòng về các nội dung tuyên truyền, PBGDPL; về phương pháp, tác phong, chất lượng tuyên truyền và về công tác tổ chức, cơ sở vật chất bảo đảm ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Kết quả là cơ bản nhân dân cảm thấy hài lòng và rất hài lòng.
Cũng tại hội nghị này, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: “Đề án 1371 được Quân đội triển khai thực hiện nghiêm túc, đa dạng và hiệu quả. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tại những vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, biển, đảo, Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong PBGDPL. Bằng sự quyết liệt và nhiều mô hình hay, sáng tạo trong thực hiện, tinh thần thượng tôn pháp luật được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân”.
Bám sát thực tế, đa dạng hình thức
Từ thực tế triển khai thực hiện Đề án 1371 tại đơn vị, địa phương, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhấn mạnh và cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 1 của đề án là toàn quân luôn bám sát tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán của từng đơn vị, địa phương để nắm chắc nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và người dân, từ đó xác định nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên địa bàn. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, thời gian qua, lực lượng BĐBP luôn tích cực đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất đối tượng của đề án. Đáng chú ý là năm 2023, Bộ tư lệnh BĐBP đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam trên internet, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, góp phần lan tỏa sâu rộng quy định pháp luật liên quan đến biên giới và BĐBP trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, đa số người dân cam kết không đưa tàu đến vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; tự giác đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, an ninh thôn bản, tình hình vi phạm pháp luật, tình trạng vượt biên trái phép, tỷ lệ người nghiện ma túy ngày càng giảm... Tuy nhiên, trước điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nguy cơ người dân bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn phức tạp thì công tác PBGDPL đối với lực lượng BĐBP vẫn cần thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức để phù hợp với từng địa phương, dân tộc và các diễn biến mới.
Cùng với vấn đề trên, đại diện Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Lào Cai, tỉnh Cao Bằng và một số đơn vị cũng kiến nghị Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư nguồn lực để đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.
ĐỨC TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.