Thực hiện Đề án Xã hội học tập để góp phần nâng cao dân trí

Nguyễn Hiền| 13/03/2014 10:00

Nhằm nâng cao dân trí, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và phong trào xã hội học tập. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng cơ bản được mạng lưới trường học các cấp từ mầm non đến THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ nhu cầu học tập của toàn dân.

ADQuảng cáo

Với nỗ lực xóa mù chữ, đến năm 2013, tổng số người từ 15-25 tuổi biết chữ đã đạt 95,8%; tổng số người từ 26-35 tuổi biết chữ đạt 93,8%; tổng số người từ 36 tuổi trở lên biết chữ đạt 98,3%.

Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) được đầu tư đồng bộ thiết bị vi tính phục vụ cho việc dạy và học. Ảnh: Ngọc Tâm

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên chưa phát triển và hoàn thiện, thậm chí nhiều địa phương chưa có trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên còn hạn chế, hiệu quả hoạt động của các trung tâm chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng, phong phú trong xã hội. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở một số cơ sở giáo dục thường còn hạn chế.

Không những vậy, nội dung giáo dục trong các trung tâm học tập cộng đồng chưa sát thực, chưa phù hợp với nhu cầu nên chưa thu hút được người học. Đặc biệt, tỷ lệ người mù chữ ở các bon, buôn còn cao, nhiều vùng sâu, vùng xa có nguy cơ tái mù chữ lớn. Đến nay, toàn tỉnh cũng mới chỉ có 15/71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, 7/8 huyện, thị xã duy trì được phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Trước thực tế đó, để tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập, ngày 28/12/2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2011/QĐ-UBND về việc ban hành “Đề án xóa mù chữ và Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020”.

ADQuảng cáo

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đạt 97,5% vào năm 2015 và 98,5% vào năm 2020; duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho 80% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện vào năm 2015 và 90% vào năm 2020…

Đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề thì đảm bảo 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 98% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và 90% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã thì đến năm 2020 sẽ đảm bảo có 100% người được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và điều hành, 70% có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định và 80% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.

Đối với lao động nông thôn, toàn tỉnh phấn đấu có 50% vào năm 2015 và tăng lên 80% số lượng người được học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Đối với công nhân lao động, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 90% có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương, 95% công nhân được qua đào tạo. Cùng với đó, 50% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mỗi năm…

Người dân ở xã Đắk Som (Đắk Glong) tham gia xóa mù chữ

Có thể nói, với việc thực hiện có hiệu quả đề án sẽ tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục và học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp. Thông qua đó không những góp phần nâng cao dân trí mà còn giải quyết cơ bản tình trạng mù chữ và tái mù chữ, học sinh bỏ học, thất học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án Xã hội học tập để góp phần nâng cao dân trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO