Tại Hội nghị, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh dại tại Gia Lai liên tục tăng cao qua các năm. Thực tế này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị địa phương. Ngành Y tế tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng mở rộng các điểm tiêm vaccine công lập, ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phải bố trí một điểm tiêm công lập. Gia Lai cần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo; đa dạng công tác truyền thông phù hợp phòng, chống bệnh dại trên động vật và trên người…
Cục Y tế dự phòng đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai thiết lập lại hệ thống giám sát từ tỉnh đến huyện, xã, phường để phòng dại cho người bị chó cắn. Đồng thời, ngành Thú y phải kiểm soát đàn chó, đặc biệt ở khu vực rẫy cà phê; truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng mẹ đẻ để bà con có ý thức hơn trong công tác phòng, chống dại.
Theo báo cáo tại Hội nghị, số ca tử vong do bệnh dại của cả nước từ đầu năm đến nay là 64 trường hợp, xảy ra tại các địa phương trọng điểm như Gia Lai, Nghệ An, Điện Biên, Bình Phước.
Gia Lai là địa phương có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước những năm qua. Từ năm 2015 đến cuối tháng 9/2023, tỉnh ghi nhận 44 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó có 11 ca xảy ra từ đầu năm đến nay. Điều đáng lo ngại là hầu hết ca tử vong đều do không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều sau khi bị chó cắn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý và tiêm phòng cho đàn chó còn yếu kém.
Theo thống kê của ngành Thú y Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có hơn 210 nghìn con chó nhưng chỉ có khoảng 10% được tiêm phòng hằng năm. Nhiều người dân nuôi chó thả rông, không tuân thủ quy định về quản lý vật nuôi. Hơn nữa, công tác truyền thông và tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại còn thiếu hiệu quả khiến người dân chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó mèo cắn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận về biện pháp khắc phục khó khăn và thách thức trong công tác phòng, chống bệnh dại tại Gia Lai. Các giải pháp được đề xuất gồm: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan; nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong việc nuôi, tiêm phòng cho đàn chó; mở rộng điểm tiêm vaccine công lập cho người bị chó, mèo cắn; đảm bảo nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh dại cho người, động vật; tăng cường công tác giám sát, theo dõi và xử lý trường hợp mắc bệnh dại…
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng Chương trình Khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Bộ Y tế cho rằng, công tác phòng, chống bệnh dại ở địa phương còn khá lỏng lẻo, rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngành Thú y tăng cường tiêm phòng trên đàn chó, ít nhất đạt mức 70% tổng đàn chó mới có thể hướng tới việc khống chế bệnh dại trên động vật.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia tại Hội nghị, hiện nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương, nguy cơ tử vong tới 100%. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng dại cho vật nuôi và vaccine ngừa dại ở người khi bị chó, mèo nghi dại cắn, hiệu quả nhất là tiêm trước 24 giờ sau khi bị cắn.