PV: Năm 2020, hoạt động KH&CN đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
Ông Trần Đình Ninh: Có thể nói, hoạt động KH&CN của Đắk Nông trong năm 2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhiệm vụ triển khai KH&CN đều bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó, ngành KH&CN tập trung ưu tiên đi sâu về lĩnh vực nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Cụ thể như ở lĩnh vực nông nghiệp có nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong canh tác bơ tại tỉnh Đắk Nông”. Mục tiêu của nhiệm vụ là tạo ra được bộ phận lá nano vi lượng, chế phẩm nano phòng trừ một số bệnh gây bởi nấm trên lá, thân và quả bơ; đồng thời, xây dựng được quy trình sử dụng trong canh tác cây bơ để hạn chế tác hại của các nấm gây bệnh thán thư, thối thân, thối trái… cho cây bơ.
Nổi bật trong lĩnh vực này còn có nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá và xây dựng mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Nhiệm vụ này điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ và xây dựng mô hình để đề xuất các giải pháp, dự báo các vùng trồng, phát triển cây xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị...
Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. |
Ở lĩnh vực du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, nhiệm vụ “Liên kết chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” cũng được triển khai kịp thời.
Qua đó đã đánh giá được thực trạng liên kết chuỗi giá trị du lịch cộng đồng, nhận diện những cơ hội và thách thức đối với giảm nghèo khi phát triển du lịch; đồng thời, thực nghiệm mô hình liên kết chuỗi giá trị, hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo, làm cơ sở xây dựng giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị du lịch.
Ngành KH&CN cũng triển khai một số nhiệm vụ khác gắn với thế mạnh về nguồn dược liệu tại địa phương như: “Xây dựng mô hình trồng cây sâm cau làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng tại tỉnh Đắk Nông”; “Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cao chiết xuất cây An xoa”… Các nhiệm vụ này bước đầu đã thu được những kết quả khả quan…
PV: Năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành đã có những giải pháp gì để các nhiệm vụ KH&CN được triển khai bảo đảm đúng tiến độ, thưa ông?
Ông Trần Đình Ninh: Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực; trong đó, KH&CN không ngoại lệ. Các hoạt động triển khai như: Tổ chức họp các Hội đồng đánh giá tuyển chọn, thẩm định nội dung, kinh phí các nhiệm vụ KH&CN; kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đáng triển khai; tổ chức nghiệm thu, chuyển giao kết quả nghiên cứu… đều không được thực hiện như đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Trước thực trạng đó, thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, Sở KH&CN cũng phát huy làm việc trực tuyến thông qua hệ thống mạng nội bộ, zalo… để trao đổi công việc.
Sau thời gian giãn cách xã hội, đơn vị đã đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung công việc đang tồn tại như: Rà soát, phân loại lại tất cả các nhiệm vụ đã thực hiện xong và còn dang dở; đánh giá và bắt tay thực hiện trước những nhiệm vụ nào có thể hoàn thành sớm; trực tiếp xuống cơ sở để đốc thúc, hỗ trợ thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ gặp khó khăn… Nhờ đó, trong năm 2020, các nội dung công việc đề ra đều được hoàn thành đúng tiến độ.
Kinh phí KH&CN hỗ trợ Công ty TNHH MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Thịnh Phát (Gia Nghĩa) ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất hạt mắc ca |
PV: Ông có thể cho biết những nhiệm vụ KH&CN sẽ được triển khai trong năm 2021?
Ông Trần Đình Ninh: Bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong năm 2021, các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh sẽ được triển khai theo các định hướng cụ thể.
Trong đó, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm chủ lực của tỉnh, phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, vấn đề chế biến sâu các nông sản chủ lực của địa phương như bơ, cà phê sẽ được triển khai ở nhiều đề tài khác nhau như: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng hiệu quả trích ly dầu để tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả bơ trồng tại tỉnh Đắk Nông”; “Nghiên cứu tạo sản phẩm hỗ trợ giảm cân từ hạt cà phê xanh và phụ phẩm của quá trình chế biến cà phê, nâng cao giá trị kinh tế tăng thu nhập trong sản xuất cà phê ở tỉnh Đắk Nông”.
Thời gian qua, việc mua bán, lưu thông các giống không rõ xuất xứ nguồn gốc đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của Nhà nước, người dân… Vì vậy, trong năm tới, nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất giống chanh dây sạch bệnh tại tỉnh Đắk Nông” sẽ được triển khai. Qua đó nghiên cứu, chọn tạo cây giống, góp phần từng bước thực hiện liên kết, gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay…
Ở lĩnh vực công nghiệp, ngành sẽ chú trọng phát triển công nghiệp ứng dụng các công nghệ mới và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, công nghiệp chế biến nông sản; đồng thời, ứng dụng KH&CN trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, dự án thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nhiệm vụ triển khai liên quan đến vấn đề phát triển nguồn dược liệu của địa phương, du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông… cũng được triển khai kịp thời với các đề tài như: “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông”; “Điều tra phân bố, xây dựng mô hình nhân giống, trồng thử nghiệm cây mật nhân tại Đắk Nông và nghiên cứu chế phẩm phối hợp giữa mật nhân và sâm cau”.
Với những kết quả đạt được và mục tiêu đề ra cho các nhiệm vụ trong năm tới, hy vọng rằng, KH&CN sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội cho địa phương ngày một phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!