Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển khả quan
Là một người thường xuyên phải đến bệnh viện khám chữa bệnh, nên sau khi cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, bà Phạm Thị Xuân Đào, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cảm thấy rất tiện lợi. Bà Đào chia sẻ: “Chỉ vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh, toàn bộ quá trình tham gia, quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế 5 năm liên tiếp đều hiển thị đầy đủ. Khi tôi đi khám bệnh, chỉ cần điện thoại có ứng dụng VssID là đủ không phải rườm rà như trước đây…”.
Đây là ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội tích hợp tiện ích sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử thay thế sổ và thẻ giấy như trước đây. Qua thực tế, ứng dụng VssID hiện cung cấp nhiều tính năng, tiện ích có ý nghĩa thiết thực, giúp người tham gia các loại bảo hiểm tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất. Người dân tự giám sát, bảo vệ quyền lợi an sinh của mình.
Theo đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đang có những bước phát triển khả quan. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị được quan tâm đầu tư. Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông cơ bản được hình thành, với việc hệ thống hạ tầng thông tin đã được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai đã và đang hoạt động ổn định, có hiệu quả.
Hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở được phát huy, góp phần tiết kiệm chi phí, mở rộng đối tượng tham dự |
Hướng tới tỉnh trung bình khá về chuyển đổi số
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu phấn đấu từ năm 2025, CĐS cơ bản các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh, xây dựng chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Chỉ số CĐS đạt nhóm trung bình của cả nước.
Đến năm 2030, CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chính phủ trong Chương trình CĐS quốc gia. Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá trong cả nước về CĐS…
Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 80% và năm 2030 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Năm 2025 có 90% hồ sơ cấp tỉnh; 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã và năm 2030 sẽ đạt 100% hồ sơ cấp tỉnh; 90% hồ sơ cấp huyện và 70% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Năm 2025, kinh tế số chiếm 10% và 12% GRDP vào năm 2030…
Để đạt được mục tiêu, nghị quyết đề ra nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Mạng di động phủ sóng lên tận biên giới giúp người lính biên phòng liên lạc thuận lợi |
Cùng với bám sát các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực; trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách, các nguồn lực khác để thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS theo định hướng, mục tiêu của tỉnh.
Ngoài ưu tiên bố trí tối thiểu 1% kinh phí từ ngân sách nhà nước, tỉnh huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển vào CĐS. Việc phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên trong lĩnh vực công sẽ được chú trọng.
Để phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10% và đến 2030 đạt 20%, tỉnh thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS, từng bước tái cấu trúc doanh nghiệp. Các hệ thống hạ tầng và dịch vụ được tăng cường xây dựng nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
Đi đôi tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp tỉnh và 3 trung tâm giám sát điều hành thông minh TP. Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, huyện Đắk Mil.
Trước hết, tỉnh triển khai bằng việc thử nghiệm một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và từng bước mở rộng các dịch vụ đô thị thông minh cũng như trung tâm giám sát điều hành thông minh đến 100% cấp huyện.