Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Kinh tế phát triển ổn định, chưa có nhiều bứt phá
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng vai trò quan trọng, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tăng năng suất và giá trị.Dự ước đến năm 2025,GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng.Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,51%; số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 98%. Thu ngân sách trên địa bàn và kim ngạch xuất khẩu đều tăng; rừng mới trồng đạt 40.000 ha, đạt Nghị quyết đề ra. Riêng năm2024,tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 3,28%; GRDP bình quân đầu người đạt 68,02triệu đồng(tăng 7,45 triệu đồng so với năm 2023)...
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định; kịp thời phát hiện các đối tượng có dấu hiệu nhen nhóm phục hồi FULRO, “Tin lành Đê Ga”, trốn ra nước ngoài; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm được tăng cường. Tiếp tục duy trì tốt quan hệ truyền thống với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Về thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, hiện nay,Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ17; dự kiến sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Báo cáo chính trị vào giữa tháng 1 năm 2025. Các cấp ủy, đơn vị, địa phương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội theo đúng tiến độ, Kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 25/12/2024, tổng số các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2027 là 784/3.406 chi bộ, đạt 23%.
Theo đồng chí Hồ Văn Niên, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn có những mặt hạn chế.Tổng thể kinh tế giai đoạn 2020-2025 phát triển ổn định nhưng chưa có nhiều bứt phá. Công nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất điện. Trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ chưa cao. Hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, không đạt mục tiêu đề ra; dự ước có 6 chỉ tiêu kinh tế không đạt Nghị quyết:Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân(GRDP); thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm; tỷ lệ đô thị hóa.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua.Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh chưa xứng với tiềm năng; một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt. Tỉnh cần nghiêm túc đánh giá nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả.
Tổng Bí thư chỉ rõ, Gia Lai nằm ở trung tâm Tây Nguyên, rộng thứ hai cả nước, đất đai phì nhiêu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng từ các cao nguyên đến thung lũng, sông suối, hồ, và rừng nguyên sinh. Đặc điểm này mang lại sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng, tạo tiền đề phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, cả về trồng trọt và chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp chế biến. Tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú với những danh lam thắng cảnh tự nhiên vẫn giữ được sự nguyên sơ, hấp dẫn đặc biệt, những nét văn hóa Tây Nguyên độc đáo, giàu bản sắc của vùng đất huyền thoại với kho tàng sử thi Tây Nguyên và không gian văn hóa âm nhạc cồng chiêng-“Di sản văn hoá phi vật thể” của nhân loại. Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên lớn, đó là thứ tài nguyên vô giá cần hết sức giữ gìn; có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, làm tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển giao thương…
Nhấn mạnh quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền trung - Tây Nguyên, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đã đề ra; tập trung lãnh đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, trọng tâm là công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, văn kiện đại hội, bảo đảm chất lượng, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên. Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt; tổng kết toàn diện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên;nâng cao chất lượng chi bộ cơ sở gắn với nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong cộng đồng 44 dân tộc anh em.
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Gia Lai bám sát các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện và bao trùm dựa trên 3 trụ cột chính: Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, có năng suất, chất lượng cao, phát triển vùng chuyên canh, xây dựng chuỗi giá trị nông sản gắn, quy trình sản xuất an toàn gắn với chế biến sâu, phát triển thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng... ; thu hút đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, các nhà máy chế biến, giảm thiểu xuất khẩu thô.Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên, đưa Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp vào thương hiệu du lịch Việt Nam. Gắn du lịch, dịch vụ với các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP.
Để triển khai hiệu quả 3 trụ cột nêu trên, Tổng Bí thư cho rằng, tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo; cải thiện hạ tầng giao thông kết nối đô thị, vùng động lực, vùng nguyên liệu, các trung tâm kinh tế, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng các ngành công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch. Thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, nâng nhanh tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế này vào GRDP của tỉnh; nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình nông hội, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên bố trí nguồn lực để ổn định các điểm dân cư đồng bào dân số thiểu số, phù hợp với tập quán, sinh hoạt, sản xuất. Thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Bảo tồn văn hóa buôn làng, văn hóa, truyền thống của từng cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện hệ thống an sinh xã hội; khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển kinh tế; phát triển giáo dục cộng đồng, nâng cao trình độ cho người dân vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình tạo việc làm bền vững, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Khẳng định Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định là có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh cần tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Gắn chặt phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới; ngăn chặn hiệu quả hoạt động xâm nhập, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới. Chủ động nắm chắc tình hình, đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia để góp phần xây dựng kinh tế vùng biên, xây dựng mối quan hệ láng giềng, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển với hai nước anh em.
* Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tặng xã Glar, huyện Đak Đoa công trình Trạm Y tế, trị giá 5 tỷ đồng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.