Kinh tế

Thúc đẩy chuỗi sản xuất, tiêu thụ chanh leo

Kim Ngân 02/03/2023 10:11

Để cây chanh leo phát triển ổn định, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các vùng trồng.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục NN – PTNT tỉnh, đến hết năm 2022, diện tích chanh leo của Đắk Nông đạt 714 ha, năng suất trung bình 15,62 tấn/ha, sản lượng 9.273 tấn/năm.

Diện tích chanh leo chủ yếu trồng tập trung tại các huyện như: Đắk Glong 193 ha; Tuy Đức 152 ha; Đắk R’lấp 148 ha; Đắk Song 105 ha…

Theo thống kê, diện tích chanh leo năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm là do đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ chanh leo chưa được mở rộng. Nguyên nhân do sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

dsc_0722.jpg

Còn các thị trường mới mở, lượng tiêu thụ sản phẩm chanh leo rất hạn chế và yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt. Trong khi người dân sản xuất chanh leo còn tự phát, chất lượng chưa cao, nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đến nay, cơ cấu diện tích chanh leo tập trung chủ yếu thuộc các hộ tư nhân, chiếm trên 85% tổng diện tích chanh leo trên toàn tỉnh.

Vườn chanh leo phát triển bình thường cho hiệu quả kinh tế cao. Vào 2 năm đầu có thể đạt năng suất từ 20 - 25 tấn/ha. Những vườn xuất hiện dịch hại, năng suất giảm trên 50%, đạt 13-15 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, từ năm 2014 đến nay, giống chanh leo được trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nhập khẩu từ Đài Loan.

Hiện nay, do nhu cầu người trồng tăng cao, nên nguồn giống đưa về Đắk Nông từ nhiều nơi khác như: Lâm Đồng, Viện Cây ăn quả miền Nam và một phần do dân tự giâm hom, ghép... Điều này khiến việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng cây giống gặp khó khăn.

Tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh chuỗi sản xuất chanh leo theo hướng liên kết cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân.

ADQuảng cáo

Đây là biện pháp hợp tác có nhiều ưu điểm, giúp cây chanh leo phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Đến nay, Đắk Nông có 3 tổ chức, cá nhân (cơ sở) được chứng nhận sản xuất chanh leo tốt (GAP), với tổng diện tích 15,5 ha. Trong đó, diện tích được chứng nhận VietGAP là 10,5 ha/2 cơ sở; diện tích chứng nhận hữu cơ 5 ha/1 cơ sở.

Trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở sơ chế, chế biến chanh leo đang hoạt động, với các công đoạn múc dịch, bảo quản trong kho lạnh và xuất bán dưới dạng cấp lạnh, cấp đông.

dsc_0498.jpg

Những năm qua, do giá chanh leo biến động thất thường, thị trường chưa ổn định, dẫn đến giá trị sản xuất chưa cao, chưa mang tính bền vững.

Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển chanh leo. Theo đó, đến năm 2035, Đắk Nông dự kiến hình thành được các vùng trồng chanh leo đạt quy mô, chất lượng xuất khẩu.

Trong đó, diện tích chanh leo phát triển ổn định khoảng 1.500 – 2.000 ha/năm, tập trung tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất có chứng nhận.

Ngành chức năng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân rà soát, đánh giá, hướng dẫn các bước thiết lập vùng trồng đạt tiêu chuẩn.

Những vùng, khu vực sản xuất chanh leo đáp ứng điều kiện, tỉnh sẽ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển chanh leo theo mô hình HTX, liên kết để có đầu ra ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuỗi sản xuất, tiêu thụ chanh leo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO