Thuận An - nơi thổ cẩm đến được với khách nước ngoài

Hoàng Thanh| 07/03/2022 09:09

Hai bon Sar Pa và Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) hiện vẫn còn nhiều nghệ nhân biết dệt thổ cẩm. Không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống, việc dệt thổ cẩm giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Già rồi nhưng vẫn rất thích dệt

Nghệ nhân H’Ngưl ở bon Bu Đắk năm nay đã 90 tuổi, đôi tay đã hằn sâu vết thời gian, đôi mắt cũng không còn tinh tường nữa. Dù vậy, hằng ngày, bà vẫn miệt mài bên khung cửi, cẩn thận từng động tác đưa thoi, luồn chỉ, kiên trì dệt nên những tấm thổ cẩm.

Với tình yêu, niềm tự hào về bản sắc dân tộc, nghệ nhân H’Ngưl đã dành cả cuộc đời miệt mài với khung cửi, dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm như túi đeo, chăn, váy, áo, khố, khăn… phục vụ gia đình, họ hàng, bà con xa gần. Nghệ nhân H’Ngưl chia sẻ: “Mình được bà và mẹ dạy dệt thổ cẩm từ năm 10 tuổi và đến nay vẫn duy trì nghề. Bây giờ già rồi, mắt yếu, chân tay yếu nhưng mình vẫn rất thích dệt, chỉ mong sao con cháu người M’nông luôn biết giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm”. 

Bà H’ Bôch luôn miệt mài bên khung dệt

Đã bước sang tuổi 73, sức đã yếu, mắt đã mờ, bà H’ Bôch ở bon Sar Pa, mỗi khi rảnh rỗi vẫn ngồi vào khung cửi, đôi tay nhăn nheo vẫn thoăn thoắt lướt trên khung dệt. Tình yêu thổ cẩm của bà H’ Bôch đã lan tỏa ra các thành viên trong gia đình, với việc em gái, các con gái, cháu gái đều biết dệt thổ cẩm.

H’ Xuyến, cô cháu gái nhỏ của bà H’ Bôch năm nay mới 14 tuổi. Mỗi tấm thổ cẩm bà ngoại làm ra, em đều rất yêu thích, say mê ướm thử. Mỗi khi bà ngoại hay mẹ ngồi dệt, em lại ngồi bên cạnh, chăm chỉ học dệt. Được bà cầm tay chỉ dạy tận tình nên chỉ sau vài tháng học dệt, em đã có thể dệt được tấm thổ cẩm nho nhỏ với hoa văn đơn giản.

Em H’ Xuyến được bà ngoại dạy cho nghề dệt thổ cẩm

Bà H’ Bôch tâm tình: “Ngày còn trẻ, mình dệt nhiều lắm, cứ rảnh là ngồi dệt thôi. Bây giờ già, sức khỏe yếu rồi, nhưng mình vẫn thích dệt lắm. Bởi vì, ngày lễ tết, ngày cưới hỏi, ngày vui của bon làng, bà con không thể thiếu được thổ cẩm. Hơn nữa, mình còn phải làm gương cho con cháu noi theo, học dệt, giữ nghề truyền thống”.

Sản phẩm có được đầu ra

Không chỉ dùng trong gia đình, dòng họ, gần đây, nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm ở xã Thuận An còn tự tìm được đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Đơn cử, theo chị H’Her ở bon Bu Đắk cho biết, năm 2019 có một vị khách người nước ngoài thấy chị có đăng ảnh trang phục truyền thống M’nông lên Facebook nên tìm cách liên hệ, đặt hàng. Lúc đó chị rất vui, không ngờ trang phục của mình lại được khách nước ngoài yêu thích.

Từ đơn hàng đầu tiên đó, ngày càng có nhiều người trong và ngoài nước tìm đến chị H’Her để đặt mua thổ cẩm, trang phục truyền thống của người M’nông. Tiếng lành đồn xa, những năm gần đây, nhiều người ở xa, khắp các tỉnh bạn cũng gọi điện, nhắn tin qua Zalo, Facebook cho chị để đặt may trang phục.

Thổ cẩm M'nông được chị H'Her may thành sản phẩm cho khách hàng đặt qua mạng

Từ những niềm vui như thế, chị H’Her càng thêm yêu những bộ trang phục truyền thống. Suốt mấy năm qua, nhà chị đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những người con dân tộc M’nông xa gần muốn có bộ trang phục đẹp. Những lúc đơn hàng nhiều, chị còn huy động nhiều chị em trong bon cùng dệt và may thành trang phục để phục vụ nhu cầu.

Thông qua mạng xã hội, bằng sự uy tín của mình, chị H’Her đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo lối đi riêng để đưa thổ cẩm đến với thị trường và hơn hết là chứng minh thổ cẩm vẫn luôn có sức sống trong cộng đồng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/thuan-an-noi-tho-cam-den-duoc-voi-khach-nuoc-ngoai-91805.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/thuan-an-noi-tho-cam-den-duoc-voi-khach-nuoc-ngoai-91805.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thuận An - nơi thổ cẩm đến được với khách nước ngoài
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO