Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

TTXVN 23/10/2023 15:41

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

ttxvn_thu_tuong_phat_bieu_4.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngày 23/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024; Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024; Báo cáo Tổng hợp y kiến, kiến nghị của Cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Báo cáo Kết quả Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

GDP 9 tháng đạt 4,24%

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo Chính phủ chỉ rõ vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc…

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt 3 năm liền.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp.

Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Thu tuong Pham Minh Chinh: Tiep tuc uu tien thuc day tang truong hinh anh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo Thẩm tra Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế-xã hội được nêu ra trong báo cáo này, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-tuc-uu-tien-thuc-day-tang-truong/903715.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-tuc-uu-tien-thuc-day-tang-truong/903715.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO