Thủ tướng Nhật Bản công du Hàn Quốc: Kỳ vọng kỷ nguyên mới

Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)| 09/05/2023 12:03

Chuyến công du của Thủ tướng Fumio Kishida đến Hàn Quốc trong hai ngày 7-8/5 đánh dấu việc nối lại toàn diện ngoại giao chính thức giữa các nhà lãnh đạo 2 nước, vốn bị đóng băng trong hơn một thập kỷ.

Thu tuong Nhat Ban cong du Han Quoc: Ky vong ky nguyen moi hinh anh 1Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tại cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Việc hai nước láng giềng Đông Bắc Á Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau nhanh chóng đã trở thành một diễn biến chính trị-ngoại giao bất ngờ và nổi bật tại châu Á trong vòng 2 tháng qua.

Động lực lớn nhất cho sự tan băng chính là “lợi ích chung,” điều mà hai nhà lãnh đạo đã công khai khẳng định. Đó là các mối quan tâm chung về an ninh và kinh tế mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cần phải tăng cường trong bối cảnh thế giới biến động như hiện nay.

Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Hàn Quốc trong hai ngày 7-8/5 đánh dấu việc nối lại toàn diện ngoại giao chính thức giữa các nhà lãnh đạo hai nước, vốn bị đóng băng trong hơn một thập kỷ.

Thủ tướng Kishida nhắc lại mong muốn xây dựng cảm giác tin cậy hơn với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để “mở ra một kỷ nguyên mới” cho quan hệ song phương.

Hai nhà lãnh đạo nhận ra rằng không nên để các tranh chấp lịch sử chưa được giải quyết tiếp tục ngăn cản nỗ lực tăng cường hợp tác hiện tại và tương lai bởi vì như Tổng thống Yoon Suk-yeol đã khẳng định: “Mối quan hệ Seoul-Tokyo được cải thiện sẽ mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai nước.”

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp sức thêm cho sự khởi đầu tích cực từ Hàn Quốc trước đó với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol sử dụng các quỹ của công ty Hàn Quốc để bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức mà không yêu cầu Nhật Bản đóng góp.

Trong lĩnh vực kinh tế, bên cạnh việc nhất trí mở rộng các đường bay lên mức trước đại dịch COVID-19 và tăng cường hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, điều đáng chú ý là Nhật Bản cho phép phái đoàn thanh tra Hàn Quốc đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 23/5 để kiểm tra mức độ an toàn của nước thải phóng xạ trước khi được xả ra biển.

Đây được xem là "món quà" của Thủ tướng Kishida đáp lại thiện chí của Hàn Quốc vì việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima ra biển đang khiến Hàn Quốc và các nước láng giềng vô cùng lo ngại.

Đối với lĩnh vực an ninh, đây dường như là vấn đề mà hai nhà lãnh đạo dễ dàng đạt được quan điểm chung nhất, đặc biệt khi cả hai quốc gia Đông Á này đang ngồi chung một con thuyền trong tam giác liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hai nước đồng ý rằng việc liên lạc và tham vấn chặt chẽ, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh ba bên, có sự tham gia của Mỹ nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sắp tới, là rất quan trọng.

Tổng thống Hàn Quốc khẳng định hai nước đồng ý tiếp tục hợp tác an ninh 3 bên và các cuộc đàm phán về chia sẻ thông tin tên lửa của Triều Tiên đang có tiến triển.

Ông Yoon Suk Yeol cũng tuyên bố "không loại trừ" việc Nhật Bản tham gia vào Nhóm tham vấn hạt nhân Seoul-Washington (NCG) mới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp 3 bên vào cuối tháng này bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima để thảo luận về các vấn đề an ninh.

Ngoài ra, với sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2+2 trong thời gian tới.

Với quan điểm “Hợp tác và phối hợp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là điều cần thiết không chỉ vì lợi ích chung của hai nước mà còn vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới,” Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc đã tìm cách khéo léo né tránh những vấn đề gai góc nhất giữa hai nước, trong đó đáng chú ý là các bất đồng liên quan đến lịch sử.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã không để cho dư luận trong nước kỳ vọng quá lớn vào một lời xin lỗi trực tiếp từ Thủ tướng Kishida, thay vào đó ông nhắc lại rằng Seoul sẽ không “đơn phương yêu cầu” Tokyo đưa ra lời xin lỗi cụ thể về các vấn đề lịch sử và khẳng định rằng những tranh chấp lịch sử chưa được giải quyết không nên ngăn cản hai nước thắt chặt quan hệ.

Cho đến nay, hai nhà lãnh đạo dường như đã rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ và cẩn thận tránh đụng chạm đến các chủ đề nhạy cảm hơn, bao gồm tranh chấp lãnh thổ và vấn đề phụ nữ mua vui, đồng thời đề cao các cuộc gặp cấp cao là các hành động xây dựng lòng tin.

Thu tuong Nhat Ban cong du Han Quoc: Ky vong ky nguyen moi hinh anh 2Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ 3, phải) trong cuộc gặp lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc ở Seoul, ngày 8/5/2023. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi hai bên nảy sinh bất đồng trong việc giải quyết các tranh chấp về lao động thời chiến.

Hai nước láng giềng Đông Bắc Á từ đó đã thực thi các đòn “ăn miếng trả miếng” trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và ngoại giao. Không chỉ cả hai nước đều gánh chịu hậu quả do các đòn đáp trả nhau, quan hệ Nhật-Hàn căng thẳng đã làm phức tạp thêm những nỗ lực của Mỹ - đồng minh chung của cả Tokyo và Seoul - muốn xây dựng một liên minh khu vực mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường an ninh tại khu vực cũng như trên thế giới ngày càng phức tạp, Tổng thống Yoon Suk-yeol, sau khi đắc cử vào tháng 5/2022, đã cố gắng hòa giải với Nhật Bản, bất chấp sự phản đối dữ dội của phe đối lập tại Hàn Quốc và Tokyo đã có sự phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các vấn đề trong nước ở mỗi quốc gia, cùng với sự ngờ vực dai dẳng ở cả hai bên, cũng như những khác biệt vẫn còn kéo dài về lịch sử chung và tranh chấp lãnh thổ vẫn là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro đe dọa tiến trình hòa giải.

Phe bảo thủ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản phần lớn vẫn hoài nghi về các động thái hòa giải của Hàn Quốc, đặc biệt liên quan tới việc thực thi thỏa thuận năm 2015 giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui."

Thủ tướng Kishida dự kiến phải đối mặt với cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào năm tới, dường như sẽ không muốn làm mất lòng phe dân tộc chủ nghĩa của LDP.

Một nhà lập pháp của LDP được Kyodo dẫn lời cho biết cách tiếp cận của Thủ tướng Kishida đối với Hàn Quốc “có thể thay đổi trong tương lai” nếu dư luận trở nên cứng rắn hơn với nước láng giềng, đồng thời cho biết thêm rằng sự cải thiện hơn nữa trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul “có thể không được thực hiện” trong trường hợp đó.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, lập trường của Tổng thống Yoon Suk-yeol cải thiện quan hệ với Tokyo vẫn vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập và một bộ phận người dân.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 8/5, tỷ lệ tán thành vẫn ở mức ảm đạm 34,6% trong khi tỷ lệ không tán thành gấp đôi, ở mức 62,5%.

Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2024 tại Hàn Quốc được coi là đợt đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol, và ông có thể sẽ phải điều chỉnh chính sách của mình tùy thuộc vào kết quả tổng tuyển cử./.

Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-nhat-ban-cong-du-han-quoc-ky-vong-ky-nguyen-moi/861462.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-nhat-ban-cong-du-han-quoc-ky-vong-ky-nguyen-moi/861462.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thủ tướng Nhật Bản công du Hàn Quốc: Kỳ vọng kỷ nguyên mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO